Phái mạnh Hàn Quốc thích đi ăn một mình, lý do vì đâu?

Giờ đây, việc những người đàn ông ngồi một mình thưởng thức các món ăn ngon mà không có bạn bè, người thân đã trở thành điều quen thuộc.

Min Kyeong-seok, 37 tuổi, đã không hề tỏ ra e ngại khi một mình đi ăn nhà hàng hay khách sạn sang trọng. Người đàn ông cũng chia sẻ kinh nghiệm đi ăn một mình của bản thân trên trang blog cá nhân "Một người hạnh phúc".

Người đàn ông cho biết: "Tôi muốn mọi người thấy rằng tôi vẫn đang sống một cuộc đời hạnh phúc dù độc thân. Người Hàn Quốc hay xem thường những người độc thân vì cho rằng họ là kẻ đáng thương, cô đơn hoặc thiếu thốn về tiền bạc, khuyết thiếu về thể chất hay tâm lý. Tôi không cần đi cùng người khác thì mới có thể thưởng thức một bữa ăn ngon, miễn sao tôi thấy vui là được".

Min là một trong số những người đàn ông trẻ tuổi ở nước này chấp nhận cuộc sống độc thân. Lựa chọn việc tham gia các hoạt động công cộng một mình đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ ở xứ sở kim chi.

Việc người trẻ đi ăn uống một mình đã trở nên quen thuộc ở Hàn Quốc.

Xu hướng được đón nhận

Làn sóng đi ăn một mình, được người Hàn Quốc gọi là "honbap", ghép giữa hai từ "hon" (một mình) và "bap" (cơm), trỗi dậy trong những năm gần đây. Nó đi ngược lại với định kiến xã hội cho rằng những người đi ăn một mình thuộc dạng lập dị hay tự kỷ.

Jang Hee-seok, một chàng trai 33 tuổi sống tại Seoul thường đi tới những cửa hàng tiện lợi gần văn phòng trong giờ nghỉ trưa. Jang tới đây một mình để kiếm một bữa ăn trưa theo ý muốn. Giữa vô vàn các thứ đồ ăn, anh chọn cho bản thân một vài món đơn giản: Cơm, gà, kimchi hay bất kể thứ gì đó.

Sau đấy, chàng trai sẽ trở lại văn phòng, hâm nóng đồ ăn và ngồi ăn một mình ngay tại bàn làm việc. Tất cả bữa ăn chỉ hết có hơn 4,000 won (khoảng 80 nghìn đồng). Với Jang Hee-seok, việc ăn một mình giúp anh tiết kiệm được thời gian để tập trung nghỉ ngơi rồi sau đó làm việc hiệu quả hơn.

Không chỉ ăn một mình, nhậu một mình, nhiều thanh niên Hàn Quốc còn đi du lịch một mình thậm chí làm đám cưới... một mình. Xuất phát từ tư tưởng "YOLO", mang hàm ý cổ vũ người trẻ mạnh dạn làm những điều họ thích, giới trẻ Hàn Quốc bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến tự do cá nhân. Họ đang tìm cách thoát khỏi sự ràng buộc và áp lực của gia đình, xã hội.

Người đàn ông ở xứ sở kim chi muốn sống cuộc đời mà họ mong muốn.

"YOLO có nghĩa là 'Bạn chỉ sống một lần thôi'. Bạn phải sống cho mình, sống cho hiện tại, không nên sống cho người khác hay bận lòng vì tương lai", Jeon Mi-young, một giáo sư nghiên cứu về văn hóa tiêu dùng tại đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, nhận xét về trào lưu sống mới.

Một ngân hàng lớn ở Hàn Quốc còn phát hành thẻ tín dụng YOLO dành cho những người độc thân. Những người dùng thẻ này sẽ được giảm giá khi đi uống cà phê, xem phim, mua đồ tại các cửa hàng tiện dụng và tham gia các lớp học ngoại khóa như làm bánh... nếu đi một mình.

Bùng nổ sống độc thân

Vào năm 2020, tỷ lệ hộ gia đình chỉ có một người ở Hàn Quốc đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 31,7%. Những người ở độ tuổi 20 và 30 là nhóm tuổi sống độc thân nhiều nhất. Điều này khiến cho tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ ở Hàn Quốc luôn ở trong mức thấp kỷ lục.

Nhiều người đàn ông độc thân Hàn Quốc ngại kết hôn vì chi phí sinh hoạt cao. Họ buộc phải mua được nhà với giá căn hộ cao ngất ngưởng thì mới có thể lấy được vợ. Việc nuôi dạy con cái cũng tốn kém với gánh nặng về giáo dục cao cấp, cạnh tranh khốc liệt khiến nhiều người Hàn Quốc không có ý định lập gia đình.

Sống đời độc thân vui vẻ là xu hướng của giới trẻ hiện nay.

Các dịch vụ dành cho người độc thân cũng đã nở rộ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Các khách sạn đang thu hút khách hàng độc thân bằng các gói ưu đãi lưu trú dành cho một người để họ có không gian riêng tư. Nhiều cửa hàng tiện lợi đang cung cấp những sản phẩm và dịch vụ dành cho những người sống một mình.

Và lĩnh vực kinh doanh thú cưng dự kiến sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Theo một viện nghiên cứu ở Hàn Quốc, ngày càng có nhiều người sống một mình lựa chọn nuôi thú cưng để có người bầu bạn. Nhiều người đàn ông ở xứ sở kim chi cho rằng, đi ăn một mình không chỉ đơn thuần là chuyện đi ăn với ai mà đó còn là cách để họ bước ra ngoài vùng an toàn của bản thân, phá vỡ những định kiến xã hội, sống cuộc đời mà mình mong muốn.

Ngọc Linh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ngay-cang-co-nhieu-an-ong-han-quoc-thich-i-an-mot-minh-ly-do-vi-au-a594875.html