Phải tăng trách nhiệm giải trình về chi tiêu công
Theo TS Lê Đăng Doanh, nếu làm tốt trách nhiệm giải trình, nhất là về chi tiêu công, thì việc thúc đẩy kinh tế thị trường sẽ nằm trong tầm tay.
Ngày 29-7, ĐH Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và một số tổ chức quốc tế khác tổ chức Tọa đàm đối thoại chính sách về thể chế kinh tế thị trường (KTTT) Việt Nam
TS Lê Đăng Doanh là chuyên gia đầu tiên nêu ý kiến. Ông cho rằng: hiện có khoảng 90 nước công nhận VN là kinh tế thị trường, nhưng Mỹ và EU vẫn chưa công nhận - theo các tiêu chí, tiêu chuẩn riêng của họ. Nếu Việt Nam được công nhận là nước kinh tế thị trường thì sẽ có nhiều lợi thế về xuất nhập khẩu, tài chính, tiền tệ…
“Sắp tới, cần nỗ lực và kiên trì chuyển sang KTTT và cải thiện chỉ số tự do kinh tế.”, ông Doanh nói.
Dẫn ra câu chuyện có một huyện ở Thanh Hóa nợ tiền tiếp khách tới 50 tỷ và không biết hiện nay đã được giải quyết thế nào, ông Doanh coi đó là ví dụ về trách nhiệm giải trình. Nếu làm tốt trách nhiệm giải trình, nhất là về chi tiêu công, thì việc thúc đẩy KTTT sẽ nằm trong tầm tay.
Ông Doanh cũng đánh giá COVID-19, bên cạnh những tác động tiêu cực, sẽ là một động lực để Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ KTTT.
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng, thể chế KTTT của Việt Nam còn nhiều vấn đề. Khoảng cách từ chính sách đến hành động còn xa và cần phải xóa bỏ khoảng cách này.
Dẫn ra các biện pháp trong các Nghị quyết 19, 02 hay chỉ số PCI, bà Chi Lan cho rằng các biện pháp đều rất tốt nhưng cũng cho thấy thể chế KTTT chưa được hoàn thiện.
Về cấu trúc nền kinh tế, bà Chi Lan cho rằng một nền KTTT mà khu vực doanh nghiệp tư nhân thực sự đóng góp chưa đến 10% GDP là chưa phù hợp.
Theo bà Chi Lan, sau 30 năm đổi mới, muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao thì cần cải cách, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.
“Đây là khát vọng chính đáng, hiện Việt Nam có nguồn lực để thực hiện khát vọng này nhưng cần phân bổ lại các nguồn lực, một cách hợp lý và hiệu quả thì kết quả sẽ khác hơn”, bà Chi Lan kết lại phần phát biểu chưa đầy 5 phút của mình.
Còn TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói: “Nền kinh tế thị trường không giải quyết được tất cả vấn đề, nhưng nếu không có kinh tế thị trường thì chúng ta thất bại! Phải tìm được khâu đột phá vì không có khâu đột phá thì chúng ta cứ mãi loay hoay".
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/phai-tang-trach-nhiem-giai-trinh-ve-chi-tieu-cong-927405.html