Phải thấm nhuần quan điểm 'Dân là gốc, dân là chủ'

'Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm 'Dân là gốc, dân là chủ'. Đồng thời, phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh 'Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân'.

Đó là phát biểu của PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản tại tọa đàm: “Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” do Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 21/8.

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được xác định là giải pháp để Đảng, Nhà nước, nhân dân ta thực hiện được các mục tiêu phát triển đất nước đã được Nghị quyết T.Ư xác định đến năm 2030 - 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 - 100 năm thành lập nước. Đồng thời, xây dựng nước Việt Nam hùng cường - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Toàn cảnh buổi tọa đàm ngày 21/8

Toàn cảnh buổi tọa đàm ngày 21/8

Theo ông Tịnh, để có Nhà nước pháp quyền trên thực tế thì tinh thần pháp trị cần phải được thẩm thấu trong tổ chức và hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân. Đó là xã hội pháp quyền, chính quyền pháp quyền, tổ chức pháp quyền, công dân pháp quyền. Từ đó, đặt ra yêu cầu lan tỏa tinh thần, tư tưởng đến mọi người dân để cùng xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN với các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết 27.

PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, để xây dựng CNXH, chúng ta xác định ba trụ cột cốt lõi. Đó là kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN.

PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại tọa đàm.

PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại tọa đàm.

Trong đó, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân là gốc, dân là chủ”. Đồng thời, phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Còn theo ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), hoạt động thanh tra, pháp luật chính là công cụ, phương tiện để đánh giá hành vi, việc làm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra đồng thời phát hiện những bất cập để hoàn thiện văn bản pháp luật.

Ông Trần Đăng Vinh kiến nghị, cần tiếp tục chú trọng tới công tác pháp điển hóa, tổ chức con người, cách làm, cơ chế tài chính... giúp quá trình thực thi pháp luật đơn giản hơn.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới được đánh giá là một bước cụ thể hóa rất quan trọng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; không chỉ với việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, mà cả nhiệm vụ chiến lược xây dựng và hệ thống chính trị.

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phai-tham-nhuan-quan-diem-dan-la-goc-dan-la-chu-post1665763.tpo