Phải thật là mình…

Cuối năm, chợt thấy nhà văn Lê Minh Hà ở Hà Nội. Chị nói, về Hà Nội 'vì việc gia đình'. Thế nhưng, cũng thật trùng hợp, thời điểm này 3 cuốn tiểu thuyết 'Phố vẫn gió', 'Gió tự thời khuất mặt' và 'Những ta' của Lê Minh Hà được ấn hành, với phần mỹ thuật do họa sĩ Lê Thiết Cương thực hiện.

Nhà văn Lê Minh Hà.

Nhà văn Lê Minh Hà.

Và chiều 10/1, trong không gian mới ở một địa chỉ cũ tại 65 Nguyễn Du (Hà Nội), nhà văn Lê Minh Hà đã có buổi giao lưu, trò chuyện với bạn văn, bạn viết và độc giả mến mộ những tác phẩm văn chương của chị.

Nhà văn Lê Minh Hà sinh năm 1962 tại Hà Nội, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Trường Ðại học Sư phạm năm 1983. Chị từng giảng dạy tại Trường PTTH Hà Nội - Amsterdam, hiện sống tại Ðức.

Lê Minh Hà bắt đầu viết văn từ khi chị còn ở trong nước và viết bền bỉ, liên tục trong suốt nhiều năm qua. Tới nay, Lê Minh Hà đã in 18 cuốn sách, bao gồm truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết.

Trong ba cuốn sách ra mắt lần này (đều do NXB Hội Nhà văn và Công ty sách Liên Việt ấn hành), có 2 cuốn đã từng dược in trước đó: “Gió tự thời khuất mặt” và “Phố vẫn gió”. Chỉ có điều đáng chú ý: Lần này, “Gió tự thời khuất mặt” (đã in lần đầu 18 năm trước) sẽ được in “nguyên vẹn hình hài”, không có những sửa chữa đáng tiếc ngoài mong muốn của tác giả.

Nhà văn Lê Minh Hà chia sẻ: "Với “Gió tự thời khuất mặt”, tôi nhận ra không phải mình đang dựng lại một quá khứ như đang xảy ra, mà là ý thức về nó, của tôi và bạn bè tôi thời đó. Đọc lại bản thảo, tôi kinh ngạc khi gặp lại nhiều ý nghĩ của mình từ hai mấy năm về trước. Nói chuyện với một người bạn viết hiện sống ở Pháp, Lê Ngọc Mai, tôi đã băn khoăn chẳng lẽ mình không lớn lên trong khi đang già đi. Nhưng không phải, khi mô tả tâm thế của một bộ phận thuộc thế hệ mình thời đó, tôi đã bắt đầu từ tôi bây giờ".

Trong khi đó, với tiểu thuyết “Phố vẫn gió”, Lê Minh Hà mô tả lao động văn chương của mình là “viết từng từ một, phải nói là viết rất khó nhọc”. Nhà văn tâm sự rằng, “Hà Nội chúng ta nhắc đến hôm nay mang một cái phong vị của tri thức phương Tây rồi.

Và những người mang cái đó đến đất này chắc gì đã là người sinh ra và lớn lên ở đây, mà là những người ở đâu đó đấy chứ. Một nhân vật của tôi người đàn bà trẻ con của tôi là Ngân rất mê là một ông bác sĩ sản khoa chơi kèn nhưng gốc gác ở Thanh Hóa. Đối với tôi đấy là Hà Nội. Hà Nội là của những người đến với nó, sống với nó và quan trọng nhất là yêu nó, biến nó thành giá trị cho số đông chứ không phải cho mình”.

Ba cuốn tiểu thuyết của nhà văn Lê Minh Hà do họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ bìa.

Ba cuốn tiểu thuyết của nhà văn Lê Minh Hà do họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ bìa.

Còn “Những ta” là tác phẩm mới nhất của Lê Minh Hà, cũng xoay quanh về Hà Nội. Tác giả cho biết, ban đầu chị đặt tên cuốn sách là “Vọng”. Đến khi chuẩn bị xuất bản, thì bạn văn mới tiết lộ hiện cũng có một dự án nghệ thuật cùng tên này. Để tránh đi, theo gợi ý của họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn Lê Minh Hà đã đổi tên tiểu thuyết mới là “Những ta”. Một cái tên lạ. Lê Minh Hà nói rằng: Điều chị quan tâm nhất và luôn tìm cách lý giải, phân tích, gọi tên là phận người. Phận người trong những biến chuyển của lịch sử, xã hội, đời sống. Và Hà Nội là cái bối cảnh để chị thực hiện điều đó.

Như vậy, cả ba cuốn tiểu thuyết ra mắt bạn đọc của Lê Minh Hà lần này đều về Hà Nội, gắn với Hà Nội, đủ để bạn đọc thấy rằng Hà Nội là một vùng đất đặc biệt có ý nghĩa, không thể dứt bỏ trong tâm trí cũng như sự nghiệp sáng tác của chị. Và với ba cuốn sách này, bạn đọc có lẽ sẽ cảm thấy Lê Minh Hà dường như là một người được sinh ra để viết về Hà Nội.

Dưới đây là một số suy nghĩ về nghề văn của Lê Minh Hà:

* Tác giả phải thật sự là mình, nhưng không phải như một thực thể ù lì. Tác phẩm phải làm thức dậy được một trạng thái cảm xúc nhất định từ người đọc, bất luận là gì, ngay cả khi trạng thái cảm xúc ấy thoát ly khỏi tác phẩm.

* Đời sống đi qua, đọng lại, trở thành một xung động thật sự trong cảm thức thì lúc đó mới có thể viết, hoặc không thể không viết, vâng, luôn luôn như thế đối với một người viết thực sự và xứng đáng là nhà văn.

* Ký ức, chỉ là một dạng hối đoái để tôi giao dịch với hiện tại thôi. Không có ký ức, tôi không thể đánh giá được thực tại, tiên cảm về tương lai. Ký ức là một gánh nặng, nhưng cũng là quà trời không chia đều cho tất cả. Nghĩa vụ của mỗi người nhận được khả năng biết nhớ ấy là chia sẻ tiếp. Đối diện với thực tại, chúng ta cần ký ức, rất cần.

* Tôi viết văn trong tinh thần lụy tiếng Việt, để mình được là mình.

* Cuộc sống 20 năm ở xứ người đã cho phép tôi hiểu một cách kỹ càng hơn về Hà Nội, mảnh đất mà nói như Nguyễn Huy Tưởng là cần phải sống cùng với nó, sống mãi với Thủ đô. Mà nó lạ lắm, những nhận thức sách vở nọ kia lại không động chạm đến tôi đâu, mà là cái đời sống bên kia từng ngày từng giờ một, như một người dân rất bình thường, nhưng chính đời sống đó lại giúp tôi hiểu về những cái tôi đã từng đi qua ở Hà Nội”.

* Hồi cố không phải là chủ đích của tôi khi viết. Đó chỉ là một thao tác ngẫm nghĩ, để hiểu chính mình, hiểu đời sống hơn, cụ thể là hiểu hiện tại hơn - gồm có hiện tại tôi đang sống từng ngày ở đây và hiện tại mà tôi chỉ có thể theo dõi vì không gian cách bức, tức là Việt Nam hôm nay.

Theo nghĩa này, hồi cố như một thao tác tư duy, và làm sao tôi tránh được việc sử dụng nó không ngưng nghỉ. Tự buộc mình phải viết cũng mệt, nhưng là cách tôi thoát ra khỏi sự nhạt như khí loãng - thứ có thể lấy được mạng sống của tôi theo nghĩa đen...

* Viết về thiếu nhi thì dễ, cứ mang cái tuổi bé của mình ra mà nhấm nhót tung hứng, nhưng viết cho thiếu nhi cực khó. Nói đòi hỏi tài trời, đòi một khả năng diễn đạt khác với khi viết cho bạn đọc trưởng thành. Với tôi, viết cho thiếu nhi được thì phải có một tấm lòng trong veo bất chấp thế thời, phải có một cách nhìn đời luôn háo hức, luôn bất ngờ của con trẻ, phải buồn vui đau đớn được theo "tầm cỡ" của con trẻ. Cái này khó nhất, "tầm cỡ" của con trẻ không phải là đi bóp nặn, thu nhỏ "tầm cỡ" của người lớn đâu. "Giả" trẻ con để viết về trẻ con và bảo là viết cho trẻ con là cách để trẻ con chối bỏ chữ của mình nhanh nhất.

* Nghệ thuật kiêu hãnh lắm, và người thưởng thức nghệ thuật khó tính lắm, thà không có còn hơn phải vừa lòng với những thứ từa tựa như nó. Ngô hay khoai có thể thay gạo nuôi sống con người, giá trị y như gạo dù không phải là khẩu vị của mình, nhưng thứ chỉ từa tựa như nghệ thuật thì chỉ làm cùn mòn con người thôi, với con trẻ có khi còn nguy hiểm.

Nhà văn Lê Minh Hà viết tản văn, tiểu thuyết nhưng thành công hơn cả với truyện ngắn: “Trăng góa” (1998), “Gió biếc” (1999), “Những giọt trầm” (2005), “Những gặp gỡ không ngờ” (2012)… Đặc biệt, chỉ trong năm 2015, chị xuất bản 5 cuốn sách mang tên: “Cổ tích cho ngày mới”, “Thương thế ngày xưa”, “Còn nhớ nhau không”, “Chơi nhiều hết mệt”, “Ngày bọn mình rất đẹp”.
Nhưng với tiểu thuyết, chị lại cho người đọc những cảm nhận rất riêng. Không chỉ kỹ lưỡng trong từng câu chữ, mà Hà Nội hiện ra, trong cách nhìn, cách nghĩ của một người nhiều năm sống với Hà Nội, giờ phải sống xa Hà Nội, có gì đó day dứt, thậm chí khác lạ.
Và một điều đặc biệt hơn: dù viết tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết, và dù viết cho người lớn hay cho thiếu nhi, thì mạch ngầm xuyên suốt của Lê Minh Hà đều xoay quanh Hà Nội.

NHẬT ĐĂNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phai-that-la-minh-10271844.html