Phải truy tìm, xử lý kẻ sàm sỡ 'vòng 1' cô gái giữa phố ở Hà Nội
Cư dân mạng cho rằng các cơ quan chức năng phải truy tìm và phạt thật nghiêm kẻ đã ra tay sàm sỡ vòng 1 cô gái ăn mặc gợi cảm ở Hà Nội để hạn chế tình trạng tương tự.
Vừa qua, dư luận bức xúc hành vi của gã đàn ông bất ngờ ra tay sàm sỡ "vòng 1" một cô gái ăn mặc gợi cảm đang lưu thông ở Hà Nội.
Đoạn clip được camera ghi lại một người ăn mặc lịch sự bất ngờ thò tay sàm sỡ cô gái đang chạy xe ở một tuyến đường khá đông đúc ở quận Tây Hồ (TP Hà Nội) rồi nhanh chóng bỏ chạy.
Phải báo ngay cơ quan chức năng
Bình luận về vấn đề này, PGS TS Trương Văn Vỹ - Giảng viên Xã hội học Tội phạm Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM - nói: "Đây là hành động đầy bất ngờ, mang tính chất lệch chuẩn của một người có vấn đề về tâm lý nếu không muốn nói rằng anh ta bị bệnh về thần kinh. Tôi nghĩ cô gái nên đến công an trình báo, yêu cầu xử lý nghiêm kẻ gây ra hành vi trái pháp luật này. Nhiều nạn nhân lên tiếng thì mới thay đổi được thái độ cũng như công tác truy tìm những kẻ như thế này".
Theo PGS Trương Văn Vỹ, tình trạng phụ nữ và trẻ em bị quấy rối, xâm hại tình dục ngày càng phổ biến dưới hình thức trực tiếp hoặc phô dâm, thị dâm.
"Rất nhiều sinh viên ở khu vực Đại học Quốc gia TP HCM phải chịu trận vì những màn phô dâm kỳ quái của những kẻ biến thái. Chúng lợi dụng chỗ vắng vẻ, đêm tối để phô của quý hoặc đi lại không mảnh vải che thân với mục đích bắt các cô gái phải nhìn thấy. Khi gặp các tình huống này, nạn nhân cần phản ứng bằng cách la lớn cho người xung quanh nhìn thấy hoặc tùy tình huống mà xử lý hợp lý. Nếu việc này xảy ra nhiều lần nên báo công an để có cách xử lý theo quy định của pháp luật", GS Trương Văn Vỹ nói.
Theo bà Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam, hằng năm số vụ quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em và phụ nữ là một vấn đề rất đáng quan ngại. Nhiều phụ nữ, trẻ em bị xâm hại nhưng không lên tiếng khiến vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
Bà Lê Thị Thu nhấn mạnh: “Để tuyên truyền và giáo dục các em, chúng tôi đã cho biên soạn, phát cho các em học sinh về những điều nên làm và không nên làm. Cần làm gì để nhận biết mình sắp bị xâm hại hoặc nếu bị xâm hại cần phải gọi điện đến đâu trình báo. Chúng tôi cũng nói với các em rằng Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 là nơi các em cần gọi đến nếu cần bảo vệ. Nhờ đó, rất nhiều cuộc gọi đã được can thiệp kịp thời".
Luật quy định ra sao?
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ) cho biết những người có các hành vi "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, sàm sỡ, quấy rối tình dục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác", thì bị xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định quy định điểm đ, khoản 5, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP (mức phạt đối với hành vi này là từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng). Nhưng, nếu tình tiết và hành vi là rất nghiêm trọng, thì sẽ có hình thức xử lý thích đáng hơn.
Tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm" và Điều 34 Bộ Luật dân sự 2015 cũng có quy định.
Còn trong hệ thống pháp luật các nước trên thế giới đã có quy định rất khắt khe đối với hành vi quấy rối tình dục: Tại bang California của Mỹ người phạm tội này có thể phải ngồi tù từ 24 cho tới 48 tháng và nộp phạt lên tới 10.000USD. Tại Canada, hình phạt nhẹ nhất dành cho tội tấn công tình dục là ngồi tù 6 tháng và hình phạt tối đa cho tội danh này là 14 năm tù. Còn tại Anh hành vi quấy rối tình dục có thể đối mặt với hình phạt tối đa lên tới 10 năm tù. Ở Nhật Bản, hành động tấn công tình dục phải chịu mức án tối thiểu là 5 năm tù giam, mức án tối đa là 20 năm…
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam chưa có chế tài đối với các hành vi quấy rối tình dục. Xét về hậu quả, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi quấy rối tình dục gây ra, thì đây là hành vi xâm hại nghiêm trọng đến quyền được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của con người; đồng thời, để đạt được mục đích "giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm", giữ gìn môi trường xã hội an ninh, ổn định thì cần thiết phải bổ sung kịp thời hành vi quấy rối tình dục vào pháp luật hình sự Việt Nam", luật sư Lưu Tấn Anh Toàn kiến nghị.
Theo luật sư Toàn, hiện nay, để xử lý hình sự những đối tượng này, thì căn cứ vào Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 và áp dụng vào các Điều 146 "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi", có mức hình phạt thấp nhất là 06 tháng tù và cao nhất là 12 năm tù, ngoài ra còn có hình phạt bổ sung và Điều 155 "Làm nhục người khác", mức hình phạt thấp nhất là cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng và mức hình phạt cao nhất là 05 năm tù, ngoài ra còn có hình phạt bổ sung.
Trước khi hệ thống pháp luật được điều chỉnh tương xứng với hành vi đó, Nhà nước và mọi người dân cần có biện pháp để ngăn ngừa hiệu quả nhất vấn nạn này, mỗi công dân cần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, kiên quyết đấu tranh khi phát hiện các hành vi quấy rối xảy ra với bản thân cũng như trong cộng đồng.
Theo Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm cả nước phát hiện khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Phần lớn vụ việc được phát hiện đều có tính chất nghiêm trọng, trong đó có cả những vụ xảy ra ở nơi công cộng.
Đối với phụ nữ, nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam chỉ rõ: Khoảng 30% phụ nữ ở nước ta từng bị bạo lực tình dục. Số đông phụ nữ từng ít nhất một lần bị quấy rối nơi công cộng, thậm chí xảy ra ở môi trường công sở. Hình thức quấy rối có thể bằng lời nói hoặc hành động, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp trên mạng xã hội...