Phân bổ hơn 13 nghìn tỷ đồng cho các dự án đã đủ thủ tục

Sáng 22/6, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Quốc hội quyết định phân bổ 13.369,468 tỷ đồng số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội thông qua với số phiếu tán thành cao.

Không phân bổ 500 tỷ đồng còn lại của chương trình

Nghị quyết quyết nghị phân bổ 13.369,468 tỷ đồng số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các dự án đủ thủ tục đầu tư, đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, số dự án đã đủ thủ tục là 45 dự án.

Trước đó, thảo luận tại tổ, có một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị hủy việc giao nguồn vốn này theo đúng tinh thần tại Nghị quyết số 69/2022/QH15.

Các đại biểu Quốc hội trong phiên họp sáng 22/6.

Các đại biểu Quốc hội trong phiên họp sáng 22/6.

Giải trình về việc này trong báo cáo tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội một mặt đồng tình với việc số vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa giao chi tiết là khá lớn, tuy nhiên, các nhiệm vụ, dự án xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn, nếu không phân bổ, giao kế hoạch chi tiết vốn cho các dự án này sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Do vậy, trong báo cáo giải trình gửi các đại biểu Quốc hội trước phiên họp sáng 22/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị cho phép tiếp tục phân bổ.

Ngoài ra, số vốn 509,217 tỷ đồng còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ không thực hiện phân bổ.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, các đại biểu Quốc hội đã thông qua phương án sẽ phân bổ 444,407 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với 62.364,060 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 đã phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo Nghị quyết số 29/2021/QH15, Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, giao kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án đủ thủ tục đầu tư đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội cũng cho phép điều chỉnh giảm 24.594,3 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 đã phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải để điều chỉnh tăng tương ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương.

Cụ thể: Khánh Hòa 1.845 tỷ đồng; Đắk Lắk 1.641 tỷ đồng; Đồng Nai 1.436 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu 1.976 tỷ đồng; Tiền Giang 872 tỷ đồng; Cần Thơ 3.250 tỷ đồng; Hậu Giang 3.466 tỷ đồng; Sóc Trăng 3.769,5 tỷ đồng; An Giang 4.928 tỷ đồng; Đồng Tháp 1.410,8 tỷ đồng.

Hơn 53 nghìn tỷ đồng chưa phân bổ đưa vào nguồn dự phòng

Tại nghị quyết này, Quốc hội đồng ý giảm 2.948,863 tỷ đồng của các nhiệm vụ, dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 để tăng tương ứng cho các nhiệm vụ, dự án không thuộc danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV và các dự án đã được giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nhưng khác ngành, lĩnh vực với dự án điều chỉnh giảm.

Giải ngân vốn của Chương trình phục hồi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Giải ngân vốn của Chương trình phục hồi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với 53.049,202 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 đến nay chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án thì đưa vào dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn thiện thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư các nhiệm vụ, dự án với số vốn 15.746,187 tỷ đồng. Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chậm nhất tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất.

Số vốn 37.303,015 tỷ đồng còn lại được phép tiếp tục rà soát, đề xuất các nhiệm vụ, dự án. Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để hoàn thiện thủ tục đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc sử dụng số vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định tại khoản 6 Điều 51 Luật Đầu tư công.

Quốc hội yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm chậm trễ báo cáo phương án phân bổ vốn

Tại nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu Quốc hội giao; chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc chậm trễ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án phân bổ số vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để bố trí cho các dự án thuộc Chương trình khi đủ điều kiện theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội.

Liên quan đến tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, bảo đảm quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng pháp luật, đúng mục đích, đạt hiệu quả.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phan-bo-hon-13-nghin-ty-dong-cho-cac-du-an-da-du-thu-tuc-130485.html