Phân bổ vốn ủy thác trồng rừng thay thế cho các địa phương trên địa bàn Thanh Hóa
UBND tỉnh vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt phân bổ kế hoạch vốn ủy thác trồng rừng thay thế cho các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thực hiện năm 2021.
Theo đó, tổng vốn phân bổ kế hoạch trồng, chăm sóc rừng trồng thay thế cho các địa phương, đơn vị thực hiện năm 2021 là hơn 9,4 tỷ đồng, gồm vốn giao trồng mới và chăm sóc rừng đặc dụng; Vốn giao chăm sóc rừng phòng hộ, đặc dụng; Vốn giao để chăm sóc rừng phòng hộ ven biển; Vốn giao hỗ trợ trồng mới rừng sản xuất.
Việc phân bổ kế hoạch vốn trồng rừng thay thế cho các địa phương, đơn vị rừng được ưu tiên sử dụng theo thứ tự: Trồng rừng đặc dụng, trồng rừng phòng hộ; trường hợp địa phương, đơn vị không còn quỹ đất trống để trồng rừng đặc dụng, trồng rừng phòng hộ mới hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo quy định.
Mức hỗ trợ áp dụng cụ thể: Vốn lâm sinh tại các xã biên giới 10,0 triệu đồng/ha, tại các xã không thuộc biên giới 8,0 triệu đồng/ha; chi phí khảo sát, thiết kế, ký hợp đồng 300 nghìn đồng/ha; chi phí khuyến lâm 200 nghìn đồng/ha. Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) theo quy định. Diện tích trồng rừng là diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch phát triển rừng sản xuất đã giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình được hỗ trợ một lần
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật về tính chính xác của đối tượng, diện tích đất, tiêu chuẩn cây giống đem trồng, đối tượng nhận hỗ trợ, thụ hưởng và tuân thủ các biện pháp lâm sinh khi trồng rừng thay thế theo quy định; chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý Quỹ bảo vệ, phát triển rừng tỉnh tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo, giao Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh và các đơn vị có liên quan rà soát, kiểm tra, đánh giá cụ thể quỹ đất trống để trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hiện có trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó mới tham mưu thực hiện hỗ trợ trồng mới rừng sản xuất theo quy định; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-6-2021.
Đồng thời chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khảo sát, rà soát đơn giá trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được ban hành theo quy định để làm cơ sở tham mưu, điều chỉnh đơn giá trổng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với thực tế và phải đủ kinh phí thực hiện trồng rừng thay thế đảm bảo đủ tiêu chí, đủ diện tích rừng trồng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định tại Điều 21, Luật lâm nghiệp năm 2017; Thường xuyên hoặc định kỳ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, nghiệm thu hoàn thành công trình lâm sinh của các chủ dự án theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
UBND các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Thạch Thành, Hậu Lộc, Nga Sơn, thị xã Nghi Sơn theo chức năng nhiệm vụ được giao để phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện.
Xem quyết định tại ĐÂY.