Phân cấp linh hoạt, bảo đảm thực hiện mục tiêu của từng Chương trình mục tiêu quốc gia

Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, có thể phân cấp cho địa phương theo hướng linh hoạt nhưng phải bảo đảm thực hiện mục tiêu của từng Chương trình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Tiếp tục phiên họp giữa hai đợt của Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, sáng 17.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ không quá 20% giá trị tài sản với tài sản trên 500 triệu đồng

Trình bày dự thảo Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết (dự thảo Báo cáo), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, đa số các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội, ghi nhận, hồ sơ dự thảo Nghị quyết bảo đảm đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.

Về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Báo cáo đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 4, Điều 4 dự thảo Nghị quyết theo hướng: “Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh quyết định, hoặc phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày dự thảo Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết (dự thảo Báo cáo). Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày dự thảo Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết (dự thảo Báo cáo). Ảnh: Lâm Hiển

Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ sở để đề xuất mức 500 triệu đồng trở xuống không áp dụng quy định quản lý tài sản công đã được Chính phủ giải trình làm rõ trong Tờ trình số 13/TTr-CP. Do vậy, dự thảo Báo cáo đề xuất thể hiện tại dự thảo Nghị quyết giữ như phương án của Chính phủ. Liên quan đến quản lý, hỗ trợ đối với tài sản có giá trị trên 500 triệu đồng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, quy định tại khoản 5, Điều 4 dự thảo Nghị quyết được đề xuất sửa đổi theo hướng: “Đối với tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, hỗ trợ tối đa không quá 20% giá trị tài sản và không vượt quá tổng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo từng dự án cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại khoản 7 Điều 4 dự thảo Nghị quyết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với việc thực hiện cơ chế này.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Do đó, dự thảo Báo cáo thống nhất đề xuất chọn phương án 2 như đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội và thể hiện tại dự thảo Nghị quyết: “HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025”.

Tuy nhiên, về việc chọn huyện để thực hiện thí điểm, theo dự thảo Báo cáo, nên giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để lựa chọn không quá 2 huyện mỗi tỉnh thực hiện thí điểm.

Không phá vỡ mục tiêu, cơ cấu vốn, kế hoạch các Chương trình mục tiêu quốc gia

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với đa số các nội dung được tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm (khoản 2, Điều 4 của dự thảo Nghị quyết), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với giải trình của Chính phủ về phương án phân cấp cho địa phương theo hướng linh hoạt nhưng bảo đảm thực hiện mục tiêu của từng chương trình.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, các địa phương mong muốn được điều chỉnh vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, giữa nguồn vốn chi thường xuyên với nguồn vốn đầu tư phát triển, nhưng nếu như vậy sẽ phá vỡ mục tiêu, cơ cấu vốn và kế hoạch… Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tại dự thảo Nghị quyết cần quy định thực hiện điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước từ các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ, hoặc không đủ điều kiện để giải ngân kinh phí theo quy định, hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung dự toán thực hiện các dự án thành phần khác trong cùng chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm không vượt tổng dự toán được giao.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị xem lại quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 4 dự thảo Nghị quyết “Trường hợp HĐND cấp tỉnh đã ban hành quy định về trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND cấp tỉnh được quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất”; nhấn mạnh yêu cầu rà soát quy định pháp luật hiện hành để chọn phương án tối ưu, phù hợp với thể thức ban hành quy định pháp luật hiện hành, cũng như đúng với thẩm quyền của các cơ quan trong bộ máy chính quyền địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong trường hợp được luật, nghị quyết của Quốc hội giao thì tại văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh đều có thể quy định trình tự, thủ tục… Do vậy, nếu HĐND cấp tỉnh chưa ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, dự thảo Nghị quyết có thể quy định ủy quyền trực tiếp cho UBND cấp tỉnh ban hành quy định này.

Trong trường hợp HĐND cấp tỉnh đã ban hành quy định về trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề xuất, có thể vận dụng đây là trường hợp đặc thù, qua đó giao Thường trực HĐND xem xét, quyết định về nội dung này, báo cáo lại HĐND tại kỳ họp gần nhất, góp phần giải quyết kịp thời nhu cầu cấp bách của địa phương.

Tại phiên họp, một số ý kiến cũng cho rằng, với những nội dung HĐND đã ban hành, UBND nếu muốn điều chỉnh có thể báo cáo, đề nghị Thường trực HĐND để thống nhất phương án xử lý, sau đó báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, về việc ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất (khoản 3, Điều 4), tại dự thảo Nghị quyết có thể quy định UBND được quyền ban hành văn bản điều chỉnh quy định do HĐND đã ban hành, nhưng phải xin ý kiến và được Thường trực HĐND đồng ý, đồng thời phải báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan trên cơ sở ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với sự nỗ lực cao nhất khẩn trương hoàn thiện các báo cáo, dự thảo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần nữa bằng văn bản và gửi đại biểu Quốc hội ngay trong ngày 17.1 để các đại biểu có thời gian nghiên cứu xem xét trước khi quyết định bấm nút thông qua vào sáng mai, 18.1.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/phan-cap-linh-hoat-bao-dam-thuc-hien-muc-tieu-cua-tung-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-i357751/