Phân cấp, phân quyền trong quản lý đô thị

Trong quá trình quản trị đô thị ở TP HCM, các cấp chính quyền cần tham mưu để sớm có cơ chế phân cấp quản lý mới

Để có thể phát huy một cách mạnh mẽ nhất những ưu thế vượt trội của Nghị quyết 98 của Quốc hội đối với sự phát triển của TP HCM trong giai đoạn mới cần có những cơ chế phân cấp và phân quyền đủ lớn, đủ mạnh.

Cần cơ chế vượt trội

Trong quá trình quản trị đô thị ở thành phố, các cấp chính quyền cần tham mưu để sớm có cơ chế phân cấp quản lý mới nhằm tăng cường tính liên kết vùng và phát triển đồng bộ với các đô thị vệ tinh xung quanh.

Trong đó, cần tập trung vào việc phân cấp quản lý cho TP HCM và các tỉnh xung quanh để hình thành cơ chế liên kết vùng, liên kết đô thị cùng phát triển gắn với công tác quy hoạch và triển khai dự án đầu tư, xây dựng cơ bản. Những đột phá về cơ chế quản lý và điều hành của TP HCM sẽ mang tính bước ngoặt có tác động lan tỏa ra toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy các dự án phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Trên cơ sở liên kết chính sách và cơ chế phân cấp quản lý đồng bộ, có thể áp dụng các dự án mang tính liên vùng để kết nối đồng loạt trong đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư một cách thống nhất trong sự phát triển chung gắn với giao thông công cộng; việc này còn thúc đẩy đồng loạt các lĩnh vực khác phát triển theo cùng cơ sở hạ tầng và giao thông. Đây là một trong những chính sách có tính đặc biệt bởi các dự án độc lập nhưng tính liên kết rộng và mở, điều này sẽ tạo ra cơ hội cho sự phát triển các quỹ đất và giá trị quỹ đất tăng lên làm cơ sở cho phục vụ hệ thống cơ sở kết nối giao thông công cộng toàn vùng.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý đô thị.Ảnh: Hoàng Triều

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý đô thị.Ảnh: Hoàng Triều

Tăng tính đột phá của cơ chế mở

Mặt khác, phương thức xây dựng và chuyển giao cần được nghiên cứu lại và làm rõ, tăng tính đột phá của cơ chế mở thực hiện hợp đồng (BT) theo hướng tăng tính chủ động bởi sự phân cấp và giao quyền chủ động trong quản lý. Cùng với đó, phương thức đối tác đầu tư công - tư (PPP) cần được vận dụng một cách linh hoạt, chủ động nhằm tạo ra hiệu quả trong các lĩnh vực như thể thao, văn hóa, du lịch, bảo tàng - bảo tồn di sản và thúc đẩy hệ thống hạ tầng giao thông bằng các phương thức BOT.

Để thực hiện được thì Nghị quyết 98 ra đời đã tạo hiệu lực và hiệu quả pháp lý về cơ chế để có thể vượt qua những rào cản hiện nay ở một số quy định pháp luật thúc đẩy hoàn thiện các dự án và hoàn thành các công trình của thành phố mà từ trước đến nay vẫn chưa thực hiện được do luật định.

Ngoài ra, phân cấp quản lý gắn với phân quyền và giao quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy, mô hình chính quyền đô thị hiện đại.

Trong thời gian tới, những quy định mang tính pháp lý đáp ứng nhu cầu về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phân cấp quản lý, quyền tự quyết cho thành phố phải thực sự vượt trội so với hiện nay và đủ sức để có thể tập trung huy động và phát huy mọi nguồn lực của thành phố và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm thúc đẩy phát triển theo các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đề ra cùng với những kỳ vọng, niềm tin của nhân dân thành phố và các địa phương.

TS NGUYỄN HỮU SƠN, Học viện Cán bộ TP HCM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phan-cap-phan-quyen-trong-quan-ly-do-thi-196240819205001564.htm