Phân cấp, phân quyền trong quản lý và sử dụng đất

Ngày 29/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 43/2024/QH15, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15; Luật Nhà ở số 27/2023/QH15; Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15. Tất cả các luật trên đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất

Luật Đất đai năm 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…

Thực hiện theo Luật Đất đai năm 2024, giá đất cụ thể của các khu hạ tầng kỹ thuật khu dân cư sẽ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Thực hiện theo Luật Đất đai năm 2024, giá đất cụ thể của các khu hạ tầng kỹ thuật khu dân cư sẽ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Trong tổng số 260 điều của Luật Đất đai, có 97 điều giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật. Đối với các nội dung không phải quy định chi tiết sẽ phát huy ngay hiệu quả khi thực hiện mà không cần chờ văn bản hướng dẫn, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quyền của người sử dụng đất, như: Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách đất đai đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; chính sách tài chính đất đai, giá đất; cho phép người sử dụng đất được sử dụng kết hợp đa mục đích; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất, giảm bớt chi phí tuân thủ trong tiếp cận đất đai.

Xây dựng bảng giá đất tiệm cận giá đất thị trường

Theo Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Nguyễn Xuân Tuyến, vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý và sử dụng đất thể hiện rõ ở các nội dung:

Về giá đất: Luật Đất đai năm 2024 quy định bảng giá đất được xây dựng hàng năm và bảng giá đất lần đầu được HĐND tỉnh thông qua và áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất từ ngày 1/1 của năm tiếp theo. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài nguyên-Môi trường, các địa phương cần chuẩn bị từ sớm, dành nguồn lực tổ chức xây dựng bảng giá đất tiệm cận giá đất thị trường theo quy định mới của luật.

Đối với bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên-Môi trường, đến nay, các địa phương đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai theo thẩm quyền được giao nhằm bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất trong tổ chức thi hành. Tổng số văn bản, nội dung quy định chi tiết theo thẩm quyền dự kiến xây dựng là 544 văn bản, trong đó có 63 văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh và 481 văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.

Về giá đất cụ thể, Luật Đất đai năm 2024 phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tập huấn về giá đất cho cán bộ cấp huyện, đồng thời bố trí cán bộ, nguồn lực để Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện tốt nhiệm vụ quyết định giá đất cụ thể theo thẩm quyền được giao.

Về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất: Luật Đất đai năm 2024 phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho HĐND cấp tỉnh nhằm tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương trong việc bố trí quỹ đất thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đất đai trên địa bàn.

Về đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất: Luật Đất đai năm 2024 giao UBND tỉnh quy định các loại giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15/10/1993 cho phù hợp với thực tiễn của địa phương nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp GCNQSDĐ thời gian qua.

Về công tác rà soát Luật Đất đai với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đất đai: Các bộ, ngành, HĐND, UBND cấp tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hay ban hành mới, bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy định Luật Đất đai.

Thanh Long

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/202409/phan-cap-phan-quyen-trong-quan-ly-va-su-dung-dat-2221002/