Phân cấp, phân quyền, ủy quyền rõ giữa Trung ương với địa phương, chính quyền cấp tỉnh với cấp xã

Cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 44, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới về chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục phân định nhiệm vụ, quyền hạn, phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương, giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với chính quyền địa phương cấp xã.

Bảo đảm hoạt động thống nhất, liên tục, không gián đoạn

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Trình bày Tờ trình dự án Luật tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, nội dung cốt lõi của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) lần này tập trung vào 4 trọng tâm chính.

Đó là: xác lập rành mạch về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trên cơ sở chủ trương của cấp có thẩm quyền. Phân định rõ về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao và tổ chức thực hiện để quản trị chính quyền địa phương trong bối cảnh của yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng mới. Tiếp tục phát huy tinh thần, nguyên tắc của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và ủy quyền để thực hiện đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm”.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Dự thảo Luật cũng tập trung xử lý những vấn đề có liên quan đến vận hành và điều chỉnh từ chính quyền địa phương 3 cấp sang chính quyền địa phương 2 cấp, liên quan rất nhiều đến vấn đề hiện nay các luật, đặc biệt là luật chuyên ngành đang quy định. Vì vậy, phải có những điều khoản chuyển tiếp rất rõ để giải quyết được vấn đề này ngay, đáp ứng yêu cầu vận hành kịp thời của chính quyền địa phương 2 cấp và tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền cũng như một số vướng mắc khác có liên quan, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Liên quan đến sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh theo quy định hiện hành, dự thảo Luật bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư… của địa phương.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đối với chính quyền địa phương cấp xã, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay; được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã (mới).

Dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương cấp xã, đặc biệt là việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở phường trong lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở đặc khu để trao quyền tự chủ trong việc quyết định các vấn đề nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo, phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, bảo đảm thu hút người dân ra sinh sống, bảo vệ và phát triển hải đảo.

Để triển khai Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12.4.2025 của Hội nghị Trung ương 11 Khóa XIII, Chính phủ đề xuất Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2025. Cùng với đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các Luật, Nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị; quy định chuyển tiếp về tổ chức chính quyền địa phương tại phường ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trong nhiệm kỳ 2021 - 2026; quy định 8 nội dung chuyển tiếp nhằm bảo đảm hoạt động thống nhất, liên tục, không gián đoạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới khi chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp thành 2 cấp theo quy định tại Luật này.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình dự án Luật tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình dự án Luật tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Tạo sự linh hoạt cho chính quyền địa phương trong điều hành thực hiện

Về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương, theo dự thảo Luật, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và cơ quan nhà nước ở địa phương và của chính quyền địa phương các cấp theo hình thức phân quyền, phân cấp.

 Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về phân cấp, dự thảo Luật quy định, UBND cấp tỉnh, cấp xã phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình hoặc UBND cấp tỉnh phân cấp cho UBND, Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp.

Quan tâm đến quy định về phân cấp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, có ý kiến còn băn khoăn về việc quy định UBND cấp xã có thẩm quyền phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình hay không, với lý do: chính quyền xã là cấp bé nhất mà lại còn phân cấp cho cấp dưới là các cơ quan chuyên môn cấp dưới, thì chính quyền cấp xã không trực tiếp thực hiện, không trực tiếp chịu trách nhiệm (?). Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực tế, "xã bây giờ có xã to, xã bé", nhất là sau khi thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, có những xã bằng 7-8 xã hiện nay nhập lại, tương đương với đơn vị hành chính cấp huyện trước kia; thậm chí có xã là đặc khu như Phú Quốc (Kiên Giang). “Nếu không phân cấp cho Trung tâm Dịch vụ Hành chính công hay các cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện các công việc cụ thể, thì thời gian giải quyết sẽ khá lâu”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Xuất phát từ thực tế đó, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần xem xét bổ sung từ “có thể” trong quy định tại khoản 1, Điều 13 của dự thảo Luật theo hướng “UBND cấp xã có thể phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu quan điểm, nên quy định theo hướng UBND cấp xã có thể căn cứ vào năng lực, trình độ, điều kiện của cấp dưới để phân cấp, nhằm tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương cấp xã trong điều hành, thực hiện nhiệm vụ. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, "không phải việc gì cũng phân cấp trừ những vấn đề do luật định, còn những vấn đề luật không cấm thì có thể phân cấp", do đó, việc bổ sung cụm từ “có thể” sẽ tạo sự linh hoạt trong quá trình áp dụng.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga cũng cho rằng, đối với những xã có quy mô địa lý, kinh tế - xã hội lớn, thì UBND xã cần được phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình để có thể xử lý kịp thời các quy trình, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân cũng như giải quyết những vấn đề phát sinh.

Quan tâm đến quy định về hoạt động của UBND, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu vấn đề, theo điểm e, khoản 2, Điều 40 dự thảo Luật, UBND thảo luận và quyết định tập thể đối với những vấn đề pháp luật khác quy định UBND phải thảo luận và quyết định. Qua khảo sát thực tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết, các văn bản dưới luật quy định thẩm quyền tập thể lên tới 70%, thẩm quyền của Chủ tịch UBND 30%, chính vì vậy, điều hành công việc rất mất thời gian. Với thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Văn Mãi đề nghị bỏ điểm e khoản 2 Điều 40 dự thảo Luật nhằm đề cao và phát huy vai trò của Chủ tịch UBND.

Về thẩm quyền của Chủ tịch UBND, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị, nên rà soát và thể hiện trong dự thảo Luật theo hướng “Chủ tịch UBND quyết định theo thẩm quyền của Ủy ban, trừ những vấn đề phải thảo luận và quyết định tập thể” nhằm tạo sự linh hoạt trong điều hành.

Đối với thẩm quyền của Phó Chủ tịch UBND, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính thấy rằng, việc dự thảo Luật quy định “Phó Chủ tịch UBND thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch UBND trong lĩnh vực, địa bàn công tác và phạm vi quyền hạn được Chủ tịch UBND phân công và chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch UBND và trước pháp luật về các quyết định thuộc lĩnh vực, địa bàn, phạm vi quyền hạn được phân công” sẽ giúp đẩy mạnh phân cấp từ UBND xuống Chủ tịch, từ Chủ tịch xuống Phó Chủ tịch và "công việc sẽ chạy được nhanh hơn".

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phan-cap-phan-quyen-uy-quyen-ro-giua-trung-uong-voi-dia-phuong-chinh-quyen-cap-tinh-voi-cap-xa-post411780.html