Phân cấp tối đa cho địa phương khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
Tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, nhiều ý kiến đề nghị trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, cần phải quán triệt nguyên tắc phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì quản lý, giám sát tổng thể
Theo Tờ trình của Chính phủ, thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035, được chia làm 03 giai đoạn: Năm 2025: Thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác; Giai đoạn 2026-2030: Tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030; Giai đoạn 2031-2035: Tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; có trách nhiệm quản lý và giám sát tổng thể về kết quả thực hiện Chương trình trên cả nước. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo quy định. Đồng thời là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan Trung ương có liên quan và địa phương xây dựng quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương tham gia thực hiện Chương trình từng giai đoạn 05 năm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định.
Về thống nhất quản lý các Chương trình, dự án liên quan đến phát triển văn hóa đã được phê duyệt, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt được nêu tại Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (mục 4.1.b Phần I) nhưng chưa được bố trí kinh phí hoặc chưa có kế hoạch triển khai cụ thể trong giai đoạn 2026- 2030 sẽ được thực hiện thống nhất trong Chương trình này để tập trung cao nhất các nguồn lực hướng tới hiệu quả đầu tư tốt hơn và sớm đạt được mục tiêu đề ra.
Khi thực hiện cần phân cấp tối đa cho địa phương
Tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết của Chương trình; cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét; đồng thời cho rằng hồ sơ Chương trình đã được Chính phủ chỉnh sửa, bổ sung trên cơ sở nghiên cứu kĩ lưỡng, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội; đáp ứng theo quy định của pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Về cơ chế quản lý, điều hành Chương trình, các ý kiến cho rằng, Chính phủ đã có sự tiếp thu, hoàn thiện cơ chế, quản lý điều hành Chương trình theo nguyên tắc thu hẹp đầu mối quản lý; ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp hướng dẫn chung cho Chương trình.
Nhấn mạnh quan điểm chung của Đảng, Nhà nước là phân cấp tối đa cho địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ chỉ đạo, quán triệt thực hiện đúng nguyên tắc này trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nêu rõ: Tại Hội nghị Trung ương 10, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 lần này cũng cần quán triệt theo hướng phân cấp, phân quyền cho địa phương. Trung ương chỉ giám sát, đôn đốc, nhắc nhở, định hướng để địa phương làm cho tốt.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục quán triệt, thể hiện rõ điều đó trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Quốc hội sẽ quyết định Chương trình này như Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới.
“Chúng ta đầu tư gì đều phải suy nghĩ làm sao cho khả thi. Và phải thay đổi quan điểm, tư duy trong cách chỉ đạo điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng, văn hóa là lĩnh vực rất rộng, vì vậy cần đảm bảo thực hiện chủ trương phân cấp triệt để, rõ mục tiêu, rõ trách nhiệm của Trung ương và địa phương. Trung ương làm gì? Địa phương làm gì? Các ngành rõ trách nhiệm của các ngành. Cũng với đó, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ quán triệt phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương. Trung ương sẽ chịu trách nhiệm trong công tác hướng dẫn, quản lý, điều hành cũng như kiểm tra, đôn đốc để triển khai thực hiện đối các nội dung được Quốc hội thông qua./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=90138