Kiểm soát quyền lực để giảm gánh nặng cho người duyệt dự án

Tại phiên thảo luận sáng nay, 6/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Đa số đại biểu bày tỏ nhất trí với việc cần đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tạo chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý đầu tư công. Tuy nhiên, việc làm này phải nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong quản lý đầu tư công; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đảm bảo tính giám sát và kiểm soát quyền lực.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 05 nhóm vấn đề lớn thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, tránh tạo cơ chế “xin - cho”. Các đại biểu nhận định, đối với dự án quan trọng ở địa phương, cần trình HĐND tỉnh thông qua để kiểm soát quyền lực và giảm gánh nặng cho người duyệt.

Bày tỏ quan điểm không đồng ý với nhận định "Đưa ra HĐND sẽ kéo dài thời gian", đại biểu Hoàng Phương Thủy dẫn chứng tại Hà Nội đã có nhiều giải pháp khắc phục vấn đề này. Bà Phương Thủy, Đoàn ĐBQH Hà Nội, cho biết: Trung bình HĐND họp 6 kỳ trong một năm, khi UBND có yêu cầu thì HĐND đều bố trí sắp xếp để tổ chức kỳ họp sớm nhất có thể chứ không chờ đến kỳ họp thường lệ. Khi đưa nội dung ra trình HĐND thì hồ sơ dự án sẽ phải chuẩn bị cẩn trọng hơn.

Làm rõ hơn về nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư dự án sẽ góp phần giảm cơ chế xin-cho, tiết kiệm thời gian triển khai dự án. Tuy nhiên, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong tổ chức thực hiện.

Kim Chi

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/kiem-soat-quyen-luc-de-giam-ganh-nang-cho-nguoi-duyet-du-an-278464.htm