Phân cấp tối đa trong quản lý các tuyến quốc lộ

Sáng 29/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với các bộ, ngành để cho ý kiến về dự thảo 3 nghị định trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT xây dựng tiêu chí xác định những tuyến quốc lộ phân cấp cho địa phương hay thuộc phạm vi quản lý của Bộ - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT xây dựng tiêu chí xác định những tuyến quốc lộ phân cấp cho địa phương hay thuộc phạm vi quản lý của Bộ - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Cụ thể là dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đường bộ, Điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Nghị định quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc người áp tải vận chuyển hàng nguy hiểm trên đường bộ (Nghị định về vận chuyển hàng nguy hiểm); dự thảo Nghị định quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe (Nghị định về đào tạo lái xe).

Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan soạn thảo tập trung làm rõ dự thảo nghị định đã bao quát nội dung luật giao cho Chính phủ quy định chưa; những vấn đề, chính sách mới; những nội dung còn ý kiến khác nhau.

Quan trọng nhất đánh giá tác động, ảnh hưởng của các văn bản pháp luật khi ban hành đối với các địa phương, các chủ thể được điều chỉnh, bảo đảm tính khả thi tổ chức thực hiện, đưa được chính sách pháp luật vào cuộc sống.

Kiên trì cụ thể hóa những điểm mới trong Luật Đường bộ

Theo báo cáo của Bộ GTVT, dự thảo Nghị định có 9 chương, 71 điều, có phạm vi điều chỉnh: Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ; phân loại, trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường bộ, đặt đổi tên số hiệu đường bộ; phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ, hành lang an toàn đường bộ, xây dựng, lắp đặt các loại biển và các công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác với mục đích giao thông; tổ chức giao thông, kết nối giao thông đường bộ; thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông đường bộ; đường bộ cao tốc; cơ sở dữ liệu đường bộ; hệ thống quản lý giao thông thông minh.

Quan điểm đột phá trong dự thảo nghị định là đẩy mạnh phân quyền, phân cấp trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ và trong quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì hết cấu hạ tầng đường bộ.

Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến về trình tự thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ giao UBND cấp tỉnh quản lý quốc lộ; làm rõ các trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã giải trình quy định về thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông đường bộ, đào tạo thẩm tra, cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ; cơ sở dữ liệu đường bộ; hệ thống quản lý giao thông thông minh.

Một số ý kiến của Bộ Tư pháp cho rằng Luật không giao nhưng nghị định quy định: giao địa phương quản lý một số đoạn quốc lộ thì nghị định quy định trình tự thủ tục thi hành.

Các đại biểu đã trao đổi về một số nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy định bàn giao quốc lộ qua đô thị đặc biệt, đường bên, đường gom; phân cấp cho địa phương quản lý, đầu tư, vận hành, khai thác và bảo trì các tuyến quốc lộ đi qua; trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; lộ trình đầu tư đường cao tốc chưa đáp ứng quy định cao tốc hoàn chỉnh…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc phân cấp tối đa cho địa phương. Bộ GTVT chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì quốc lộ ở địa phương; "chăm lo tổng thể" mạng lưới đường bộ quốc gia, trực tiếp quản lý, đầu tư các tuyến cao tốc, quốc lộ quan trọng, trọng yếu, liên quan đến bảo đảm quốc phòng, an ninh… Bộ GTVT cần xây dựng tiêu chí xác định những tuyến quốc lộ phân cấp cho địa phương hay thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

"Bộ GTVT phải kiên trì cụ thể hóa những điểm mới trong luật", Phó Thủ tướng nói.

Đối với quy định đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc, Phó Thủ tướng lưu ý, việc đầu tư các trạm dừng nghỉ cần được quy định ngay từ khi quy hoạch, thiết kế, phê duyệt dự án đầu tư cao tốc, bao gồm quy mô, khoảng cách để bảo đảm an toàn lái xe, tiêu chuẩn kiến trúc, vệ sinh môi trường, cung cấp dịch vụ cho con người và phương tiện… Các phương án huy động nguồn lực xã hội hóa (từ nhà đầu tư đường cao tốc, đấu thầu, đầu tư công quản trị tư…) phải công khai, minh bạch. "Các trạm dừng nghỉ là một phần không thể thiếu của hạ tầng đường cao tốc", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo và cho ý kiến về dự thảo nghị định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, dự thảo nghị định về đào tạo lái xe - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo và cho ý kiến về dự thảo nghị định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, dự thảo nghị định về đào tạo lái xe - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Kế thừa những quy định thực hiện tốt trong thực tiễn

Về dự thảo Nghị định vận chuyển hàng nguy hiểm, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Phan Thị Thu Hiền cho biết, dự thảo cơ bản kế thừa toàn bộ nội dung của Nghị định số 34/2024/NĐ-CP quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa. Bao gồm danh mục hàng hóa nguy hiểm, việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc người áp tải vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; quy định riêng đối với trường hợp vận chuyển chất phóng xạ, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tiền chất thuốc nổ, pháo, chất thải nguy hại…

Nghị định áp dụng cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam.

Vấn đề phát sinh duy nhất là quy định thẩm quyền cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm loại 5, loại 8 (thuộc nhóm mặt hàng hóa chất) trước đây được phân công cho Bộ KH&CN (từ năm 2009).

Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo dẫn chiếu theo quy định của luật chuyên ngành liên quan đến thẩm quyền quản lý trong lĩnh vực hóa chất; rà soát bảo đảm tương thích với quy định liên quan Luật Phòng thủ dân sự.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Báo cáo về dự thảo Nghị định quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Phan Thị Thu Hiền cho biết, dự thảo kế thừa 10 thủ tục hành chính và bổ sung 2 thủ tục hành chính mới.

Phạm vi điều chỉnh của nghị định gồm: Hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe và các hình thức đào tạo lái xe khác; điều kiện kinh doanh của cơ sở đào tạo; trình tự, thủ tục kiểm tra, đánh giá để cấp, cấp lại và thu hồi giấy phép xe tập lái; tiêu chuẩn của giáo viên dạy lái xe; việc cấp, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe; cấp, cấp lại và thu hồi giấy phép lái xe đào tạo lái xe; điều kiện kinh doanh của Trung tâm sát hạch lái xe ; trình tự thủ tục kiểm tra, đánh giá để cấp, cấp lại và thu hồi giấy phép sát hạch cho Trung tâm sát hạch lái xe; điều kiện sân tập lái để sát hạch lái xe mô tô.

Phó Thủ tướng đã cho ý kiến quy định cơ sở vật chất, bộ máy, tổ chức của cơ sở đào tạo lái xe không bắt buộc là cơ sở giáo dục nghề nghiệp; điều kiện, tiêu chuẩn của giáo viên dạy thực hành lái xe;…

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan thẩm định bảo đảm các quy định trong dự thảo Nghị định về đào tạo lái xe tương thích với pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đào tạo nghề…

Minh Khôi

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/phan-cap-toi-da-trong-quan-ly-cac-tuyen-quoc-lo-102241029143820035.htm