Phan Chu Trinh - ngọn cờ canh tân văn hóa đầu thế kỷ XX

Vào đầu thế kỷ XX, Phan Chu Trinh là người khởi xướng và lãnh đạo cuộc vận động canh tân văn hóa - giáo dục với một tầm nhìn chính trị vừa sâu vừa xa. Cuộc vận động này là bản lề để hiện đại hóa nền văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XX đến tận ngày nay.

Nhìn thấu nguồn cơn

Phan Chu Trinh không phủ nhận nguyên nhân mất nước vì triều đình nhà Nguyễn nhu nhược, vì quân đội thực dân không chỉ có dã tâm cướp nước mà còn có súng to, pháo lớn. Nhưng ông khác hơn khi nhìn thấy nguyên nhân do sự yếu kém, lạc hậu của nền văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ khi phải đương đầu với văn hóa, văn minh và kỹ thuật phương Tây. Cái lạc hậu nhất và chi phối nhiều nhất đến bi kịch mất nước là văn hóa chính trị của Đại Nam. Đó là thể chế quân chủ với một nhà nước đã khủng hoảng trầm trọng và ngày càng sâu sắc. Vua không ra vua, quan không ra quan. Mọi yếu tố dân chủ, kể cả dân chủ làng xã cũng bị bào mòn bởi bộ máy quan lại, cường hào ngày càng bạo ngược và chồng lên đó là chế độ cai trị thực dân.

 Phan Chu Trinh (1872 - 1926).

Phan Chu Trinh (1872 - 1926).

Từ một thể chế lạc hậu, lỗi thời đã không những không tiếp nhận sự đổi mới mà còn làm nặng nề hơn những nhược điểm, khuyết tật của nền văn hóa. Phan Chu Trinh cho rằng hiện trạng yếu kém văn hóa là bởi những hủ bại đã tích tụ hàng nghìn năm mà trung tâm vẫn là vấn đề con người. Đó là: Tham sống sợ chết, cam chịu kiếp sống nhục nhã đọa đày; không lo học lấy một nghề, chỉ biết ngồi không ăn bám; không dám đi ra để mở mang đầu óc, chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi; không biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có, chỉ quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng; không biết tiết kiệm chỉ lo đến hủ tục đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu; không biết cải tiến phát minh, không có gan đua chen thực nghiệp; không biết tổ chức công việc, chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc; thiếu tinh thần gắng gỏi tự lực tự cường, tự tin ở bản thân, chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật; chỉ lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng… Nói ra được chính xác những “căn bệnh” cố hữu này của người Việt Nam quả là một sự dũng cảm so với lối tư duy thông thường của xã hội đương thời.
Chi bằng học
Trước hết, nói về tầm nhìn chính trị của Phan Chu Trinh. Ông là nhà yêu nước, nhưng khác với người khác, ông muốn đất nước độc lập và tiến tới văn minh bằng một thể chế chính trị mới theo mô hình dân chủ tư sản - mô hình hiện đại nhất của nhân loại lúc đó. Để tiến đến mục tiêu đó, ông không chủ trương bạo động mà chủ trương tiếp thu những tiến bộ của phương Tây, gồm cả mô hình thể chế, để canh tân/ làm mới dân tộc để đủ sức tự giành lấy độc lập bằng con đường hòa bình, bất bạo động. Tự chủ, tự lực, tự cường là tư tưởng nhất quán ở Phan Châu Trinh trong tư tưởng và hành động.
Phan Chu Trinh cho rằng để có một thế hệ con người mới đáp ứng được yêu cầu của đất nước, của thời đại, của một nền văn hóa mới thì “Bất như học” - chi bằng học, có nghĩa là phải bắt đầu bằng con đường giáo dục.
Như trên đã nói, ông chủ trương canh tân văn hóa, phát triển đất nước bằng con đường giáo dục để có một thế hệ người Việt Nam mới. “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” là mục tiêu mà nền giáo dục hướng tới.
Theo ông, khai dân trí là bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa. Chấn dân khí là thức tỉnh tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, Nhân dân giác ngộ được quyền lợi và trách nhiệm của mình, có như thế mới thoát được nọc độc chuyên chế. Hậu dân sinh là phát triển kinh tế, hợp đoàn để doanh sinh, bảo chủng, sản xuất và tiêu thụ hàng nội hóa…
Đó là con đường tự lực khai hóa để phát triển nền văn hóa dân tộc.
Kiên định đến cùng
Bỏ chốn quan trường, đầu năm 1905, ông cùng hai bạn học là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng làm một cuộc Nam du để xem xét tình hình và tìm bạn đồng chí hướng. Sau đó, Phan Chu Trinh đã Bắc du ra Nghệ - Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội để gặp gỡ và đàm đạo với các sĩ phu tiến bộ.
Năm 1906, ông bí mật sang Quảng Đông (Trung Quốc) hội kiến Phan Bội Châu rồi cùng sang tìm hiểu công cuộc duy tân ở Nhật Bản.
Trở về, ông cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đi khắp Quảng Nam và các tỉnh lân cận để vận động cuộc duy tân với tư tưởng dân quyền và phương châm "tự lực khai hóa”.
Năm 1907, ông vận động thành lập Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội. Không trực tiếp thành lập và giảng dạy nhưng ông tích cực tham gia diễn thuyết cổ vũ cho Đông Kinh nghĩa thục và tư tưởng duy tân.
Tháng 3/1908, phong trào chống sưu thuế nổ ra ở Trung Kỳ. Phan Chu Trinh cùng nhiều đồng chí trong phong trào Duy Tân bị buộc tội khởi xướng nên đều bị bắt, bị kết án tội chém nhưng chỉ bị giam rồi đày đi Côn Đảo.
Tháng 8/1908, ông được đưa về đất liền nhưng bị quản thúc ở Mỹ Tho. Ông viết thư cho Toàn quyền Đông Dương đòi được sang Pháp hoặc trở lại Côn Lôn.
Năm 1911, ông và con trai sang Pháp cùng một đoàn giáo dục Đông Dương của chính quyền thuộc địa. Tại đây, ông lập tức gửi Hội Nhân quyền Pháp bản điều trần về vụ trấn áp những người dân chống sưu thuế tại Trung Kỳ năm 1908 (Trung Kỳ dân biến thủy mạt ký).
Ông cũng lên tiếng tố cáo tình trạng đối xử tồi tệ đối với tù nhân ở Côn Lôn, và nhờ Liên minh cầm quyền, Đảng Xã hội Pháp can thiệp nhằm giảm án cho các đồng chí của mình.
Tại Pháp, ông tiếp xúc nhiều lần với những nhân vật cao cấp ở Bộ Thuộc địa để đưa ra những dự án cải tổ nền chính trị ở Việt Nam nhưng không có kết quả. Trong thời gian này, ông viết Pháp - Việt liên hiệp hậu chi Tân Việt Nam.
Chiến tranh với Đức bùng nổ (3/8/1914), chính quyền Paris gọi Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường đi lính, nhưng hai ông phản đối rồi đều bị khép tội làm gián điệp cho Đức và bị bắt giam từ tháng 9/1914 đến tháng 7/1915 thì chính quyền Pháp phải trả tự do vì không đủ chứng cớ buộc tội.
Ra tù, Phan Chu Trinh học nghề rửa ảnh rồi làm thuê cho các hiệu chụp ảnh để kiếm sống.
Ngày 19/6/1919, Phan Chu Trinh cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn bản "Yêu sách của Nhân dân An Nam" gửi cho Hội nghị Versailles, ký tên chung là "Nguyễn Ái Quốc".
Năm 1922, vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo Marseille, Phan Chu Trinh viết bức thư buộc tội vua Khải Định 7 điều (Thất Điều Trần) và bài Tỉnh quốc hồn ca mới lên án tình trạng tăm tối của xã hội Việt Nam và chính sách thuộc địa của Pháp; cổ vũ đường lối cải cách dân chủ.
Do hoạt động ở Pháp kết quả không khả quan, nhiều lần ông yêu cầu chính phủ Pháp cho trở về nước nhưng mãi đến năm 1925, khi thấy sức khỏe ông đã yếu, nhà cầm quyền Pháp mới chấp nhận. Khoảng thời gian này, ông viết cuốn Đông Dương chính trị luận.
Ngày 29/5/1925, Phan Chu Trinh cùng Nguyễn An Ninh xuống tàu rời nước Pháp, ngày 26/6 cùng năm thì về tới Sài Gòn.
Lúc này, tuy bị bệnh nhưng Phan Chu Trinh vẫn cố gắng diễn thuyết thêm hai đề tài là Ðạo đức và luân lý Đông Tây và Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa.
Ông mất lúc 21 giờ 30 phút ngày 24/3/1926. Đám tang của ông ở Sài Gòn ngày 4/4/1926 có hơn 6 vạn người tham dự. Bất chấp sự ngăn cản của chính quyền thực dân phong kiến, lễ truy điệu ông đã được tiến hành khắp cả nước, trở thành một phong trào chính trị cỗ vũ tinh thần yêu nước của đồng bào, nhất là thanh niên, học sinh.

Theo Phan Chu Trinh, hậu quả dẫn đến dân trí thấp, dân khí yếu này là do nền giáo dục hủ nho đã quá lạc hậu. Cần phải có một nền văn hóa - giáo dục mới mà trung tâm là có con người mới để tự chủ, tự lực và tự cường giải quyết mọi vấn đề của đất nước. Muốn vậy phải hành động để có một nền văn hóa - giáo dục mới để nâng cao dân trí, dân khí, và lo được dân sinh. Đã hơn 100 năm nhưng tư tưởng, tầm nhìn chính trị - văn hóa - giáo dục của Phan Chu Trinh vẫn là mới mẻ. Có rất nhiều điều cho đến tận hôm nay chưa chắc chúng ta đã thật sự thấu hiểu về ông.

Vĩnh Khánh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thong-diep-tu-lich-su-phan-chu-trinh-ngon-co-canh-tan-van-hoa-dau-the-ky-xx-442103.html