Phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng Vành đai 4 trước ngày 31/12

Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, về cơ bản công tác giải phóng mặt bằng đang bám sát kế hoạch; phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng dự án trước ngày 31/12/2023.

Cụ thể, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, qua đánh giá chung cơ bản công tác giải phóng mặt bằng đã được bám sát tiến độ theo kế hoạch. Dự kiến, tháng 6/2023 bàn giao trên 70% để khởi công dự án và bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 31/12/2023.

Điểm nhấn đáng chú ý, nhiều đơn vị nơi có Vành đai 4 đi qua đã tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Theo thống kê, đến thời điểm cuối tháng 4/2023, khối lượng hoàn thành công tác di chuyển mộ chí là 5.958/10.921 ngôi (đạt 54,56%), đã phê duyệt phương án thu hồi đất được 404,40/798,043ha (đạt 50,67%), số tiền đã phê duyệt là 3.051,77 tỷ đồng (một số huyện đã cơ bản hoàn thành công tác di chuyển mộ như Mê Linh: 100%, Sóc Sơn: 100%, Thanh Oai: 94,63%, Thường Tín: 98%).

Các hộ dân làm thủ tục nhận tiền chi trả, bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4. (Ảnh: Tô Quý)

Các hộ dân làm thủ tục nhận tiền chi trả, bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4. (Ảnh: Tô Quý)

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có quy mô chiều dài gần 113km, đi qua địa bàn của 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.800 tỷ đồng. Nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm hơn 19.380 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 22.470 tỷ đồng (Hà Nội hơn 19.470 tỷ đồng; Hưng Yên 1.000 tỷ đồng; Bắc Ninh 2.000 tỷ đồng).

Nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 hơn 14.500 tỷ đồng, bao gồm 8.790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương; nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 5.710 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp hơn 29.440 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, dự kiến trên địa bàn Hà Nội sẽ khởi công Vành đai 4 tại 4 vị trí. Cụ thể, vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với Quốc lộ 2 tại Km1+444 thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (gói thầu số 08/TP2-XL); vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường Phương Bảng tại Km28+000 thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức (gói thầu số 09/TP2-XL); vị trí giao cắt giữa trục phía Nam tại Km45+700 thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, cách đường Vành đai 3 khoảng 11km (gói thầu số 10/TP2-XL); vị trí tuyến nối đê trục Thường Tín tại Km56+750, thuộc địa phận xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (gói thầu số 11/TP2-XL).

Đường Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu. Đặc biệt, Vành đai 4 sẽ góp phần mở rộng không gian phát triển và kết nối với các địa phương lân cận cho Thủ đô.

Đ.L

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phan-dau-ban-giao-100-mat-bang-vanh-dai-4-truoc-ngay-3112-155961.html