Phấn đấu đáp ứng nhu cầu lợn thịt dịp cuối năm

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tái đàn lợn, từng bước bình ổn giá lợn thịt trên thị trường, tại nhiều địa phương dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, các trang trại, hộ gia đình bước đầu tái đầu tư chăn nuôi. Dự tính của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến quý III-2020 tỉnh sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu lợn thịt.

Gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng, thôn 6, xã Thái Bình (Yên Sơn) vừa vào đàn 36 con lợn con giống siêu nạc. Ông Hùng phấn khởi cho biết, ngay khi xuất bán hết lợn thịt, ông vệ sinh, khử trùng chuồng trại và thực hiện tách đàn. Lợn con từ khi tách mẹ, ông Hùng đã tiêm đủ các loại vắc xin để phòng bệnh dịch tả, lở mồm long móng, tụ huyết trùng; chế độ ăn cũng được đặc biệt chú ý nhằm tăng sức đề kháng cho lợn. Theo ông Hùng, đầu tư nuôi lợn siêu nạc chi phí giống cao hơn nhưng đổi lại ăn khỏe, lớn nhanh, tỷ lệ nạc cao, chất lượng thịt thơm ngon thị trường rất chuộng nên rất được giá. Dự tính lứa lợn này sẽ xuất bán vào tháng 8 đầu tháng 9 tới.

Gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng, thôn 6, xã Thái Bình (Yên Sơn) tái đàn lợn thịt.

Gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng, thôn 6, xã Thái Bình (Yên Sơn) tái đàn lợn thịt.

Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình bà Trịnh Thị Hải, thôn Đô Thượng 4, xã Xuân Vân (Yên Sơn) có quy mô 100 con/lứa. Bà Hải cho biết, gia đình bà có 50 lợn nái, lợn con đẻ ra bà giữ lại 2/3 để nuôi, còn lại bán giống. Trung bình 40 đến 45 ngày, trang trại lại vào đàn khoảng 80 - 100 con tùy theo quy mô chuồng. Tái đàn theo hình thức gối lứa sẽ đảm bảo cho trang trại luôn có lợn thịt để xuất chuồng.

Các hộ chăn nuôi bắt đầu tái đàn trở lại. Ông Ma Văn Hồng, thôn Nà Tàng, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) cho biết, thời điểm trước lo sợ dịch tả lợn châu Phi bùng phát nên gia đình phải dừng chăn nuôi. Giờ dịch được kiểm soát nên ông đầu tư nuôi lợn trở lại. Nhưng theo ông Hồng, gia đình cũng chỉ nuôi 6 con, bởi giá lợn giống quá cao nên ông không dám mạo hiểm đầu tư.

Ông Vũ Minh Thảo, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hầu hết số lợn thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi năm 2019 là lợn con, lợn thịt ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Riêng đàn lợn nái tại các trang trại, gia trại quy mô lớn trên địa bàn gần như được bảo toàn. Như vậy, có thể khẳng định, năng lực sản xuất lợn giống phục vụ cho công tác tái đàn lợn của tỉnh không bị ảnh hưởng nhiều như các tỉnh, thành phố khác. Theo rà soát của ngành, từ tháng 2 đến nay, toàn tỉnh đã có 7.000 con lợn thịt được đưa vào chăn nuôi tại các trang trại, gia trại ở 3 huyện Sơn Dương, Yên Sơn và Chiêm Hóa bù đậy khoảng 23% số lượng lợn đã bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy từ năm 2019 đến nay. Hiện tổng đàn lợn bao gồm cả lợn nái, lợn thịt và lợn con khoảng 547.000 con. Sản lượng thịt lợn xuất chuồng đang có chiều hướng gia tăng. Theo Cục Thống kê tỉnh, trong tháng 4 vừa qua, sản lượng thịt lợn xuất chuồng đạt trên 4.000 tấn, tăng 0,1% so với tháng trước. Dự tính từ nay đến tháng 7 sẽ có khoảng 1.000 - 2.000 con lợn giống nữa được đưa vào chăn nuôi. Với tốc độ tái đàn như hiện nay, sản lượng thịt xuất chuồng sẽ tiếp tục tăng và mục tiêu đến quý III, quý IV tới sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu lợn thịt cho thị trường.

Sau một thời gian thăm dò, thời điểm này các trang trại, gia trại đã tái đàn mạnh hơn, tuy nhiên khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, người chăn nuôi tuyệt đối không tái đàn ồ ạt, thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là đối với dịch tả lợn châu Phi bởi bệnh vẫn chưa được dập triệt để, lo ngại nhất là bệnh chưa có vắc xin phòng, trị. Các trang trại, cơ sở chăn nuôi cần kiểm soát chặt chẽ chỉ mua giống tại các trang trại được công nhận đạt chuẩn, có uy tín; chích ngừa vắc xin đầy đủ, tạo hệ miễn dịch chủ động cho vật nuôi; thực hiện triệt để biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, khi phát hiện lợn có dấu hiệu bất thường, xử lý bằng biện pháp tách đàn, rắc vôi, phun thuốc khử trùng, khoanh chuồng để tránh bệnh lây lan sang con khác.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/phan-dau-dap-ung-nhu-cau-lon-thit-dip-cuoi-nam-132488.html