Phấn đấu đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng
Thuốc nhập khẩu tại Việt Nam hiện chiếm hơn 55% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng, trong đó có nhiều thuốc biệt dược, thuốc đặc trị, thuốc hiếm, giá thành cao.
Phấn đấu thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng
Công An Nhân Dân dẫn nguồn từ Bộ Y tế, hiện thuốc sản xuất trong nước chiếm khoảng 45,7% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng, ngành dược trong nước đã sản xuất được nhiều thuốc chuyên khoa đặc trị như thuốc tim mạch, thuốc ung thư, thuốc điều trị gan...
Cụ thể, thuốc nhập khẩu tại Việt Nam hiện chiếm hơn 55% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng, trong đó có nhiều thuốc biệt dược, thuốc đặc trị, thuốc hiếm, giá thành cao.
Bộ Y tế cho biết, hiện thuốc sản xuất trong nước phủ được 27/27 nhóm tác dụng dược lý. Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược trong nước, trong đó hướng đến sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc chuyên khoa đặc trị, vắc-xin, sinh phẩm là một chiến lược quan trọng trong phát triển ngành dược Việt Nam thời gian tới.
Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đưa ra mục tiêu đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường.
Mục tiêu đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường. Chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vắc-xin, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.
Phát triển theo hướng quy mô lớn
Thông tin trên Chính Phủ, để làm được điều này cần xây dựng được 8 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên. Xây dựng được 2-5 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn, mỗi vùng khai thác hoặc vùng trồng có 1-2 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).
Bộ Y tế sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao theo quy định của pháp luật. Chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc-xin, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự.
Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc mới, thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.
Cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thuốc. Quy hoạch và dành quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước sản xuất các thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc-xin, sinh phẩm y tế đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu...
Bên cạnh các định hướng, chính sách ưu đãi trên, Bộ Y tế cũng đang rà soát, hoàn thiện và trình các cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản từ Luật Dược, Nghị định hướng dẫn đến các văn bản hướng dẫn để đảm bảo thông thoáng, minh bạch, công khai, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển nền công nghiệp dược Việt Nam trong thời gian tới.
Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực
Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD.
Đó là mục tiêu cụ thể của Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Công An Nhân Dân, tại diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành sản xuất Dược”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược thông tin, ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 376 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp Dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỉ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020. Đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường. Chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vắc-xin, sinh phẩm và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được. Phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực với giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD. Định hướng đến năm 2045, tổng giá trị ngành công nghiệp Dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này Thạc sĩ, Dược sĩ Nguyễn Diệu Hà, Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam thông tin, tính đến năm 2022, Việt Nam có 5 doanh nghiệp Dược có vốn đầu tư nước ngoài, 228 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn WHO GMP, 12 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP cao như EU, PICs, JAPAN, TCA. Tuy nhiên, các sản phẩm thuốc của Việt Nam đa số tập trung vào nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn (32,54%); nhóm thuốc hạ nhiệt, giảm đau (15,5%) và nhóm vitamin, khoáng chất (6,55%). Trong giai đoạn từ năm 2015-2021, giá trị sản xuất thuốc trong nước mới chỉ đạt 46% so với tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của người dân. Đặc biệt tỉ lệ này dù đã tăng cao so với giai đoạn 2001-2011 (17%) nhưng vẫn còn thấp so với thế giới.
Trúc Chi (t/h)