Phấn đấu đến năm 2030, Bình Thuận nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu về chuyển đổi số: Phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 3/6/2020 về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã luôn quan tâm đẩy mạnh công tác chỉ đạo triển khai thực hiện chuyển đổi số tại địa phương với quan điểm chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, trọng tâm, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Đẩy mạnh chuyển đổi số theo 3 trụ cột chính
Ngày 18/3/2022, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, nghị quyết đưa ra quan điểm chỉ đạo về đẩy mạnh chuyển đổi số theo 3 trụ cột chính đó là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng số hướng đến nâng cao chất lượng sống của nhân dân và sự phát triển của doanh nghiệp. Với mục tiêu của tỉnh là chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đổi mới căn bản, toàn diện về phương pháp, cách thức hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị, quản trị nhà nước, doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân thông qua chuyển đổi số. Thông qua phát triển kinh tế số để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã ban hành kịp thời các văn bản để tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Hạ tầng viễn thông, hạ tầng mạng máy tính và thiết bị được quan tâm đầu tư. Kết nối, tích hợp, đồng bộ dữ liệu chuyên ngành, dùng chung của tỉnh với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL chuyên ngành do các bộ, ngành Trung ương xây dựng, quản lý, vận hành. Các hệ thống thông tin, CSDL dùng chung của tỉnh tiếp tục được phát triển và đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả, công tác an toàn thông tin mạng được đảm bảo. Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được quan tâm triển khai với nhiều hình thức đa dạng. Bên cạnh đó tỉnh còn xây dựng và phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận, phiên bản 1.0 đảm bảo yêu cầu, đồng bộ theo tinh thần hướng dẫn khung kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông. Xây dựng và đưa vào hoạt động Trục kết nối liên thông, chia sẻ, trao đổi dữ liệu quy mô cấp tỉnh ESB (dự án thành phần Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh) theo hình thức thuê dịch vụ nhằm triển khai kết nối liên thông và tích hợp dữ liệu hệ thống.
UBND tỉnh Bình Thuận và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2027. Ảnh: Đ.Hòa
Đối với việc xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành, gắn với ứng dụng chữ ký số, đến nay hầu hết các văn bản trên địa bàn tỉnh đều tiếp nhận, chuyển xử lý, xem xét phê duyệt và phát hành được xử lý khép kín trên môi trường mạng (trừ văn bản mật). Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh đã triển khai phần mềm ảo hóa và điện toán đám mây theo công nghệ mã nguồn mở để quản lý và tối ưu hóa hạ tầng máy chủ và thiết bị mạng...
Chuyển đổi số đồng bộ và toàn diện
Sự phát triển của cách mạng 4.0 đang có nhiều tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số là một xu thế tất yếu của mọi quốc gia. Chuyển đổi số chính là cơ hội để Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nền kinh tế, vì thế nhận thức đúng vai trò của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề quan trọng nên việc xác định các mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 là một điều cần thiết, phù hợp, làm cơ sở để thực hiện nhanh chóng, hiệu quả chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh hiện nay. Chính vì thế tỉnh đã thực hiện kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử thành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận. Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, có 2 Phó Trưởng ban và hơn 20 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận cho biết, để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Bình Thuận nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu về chuyển đổi số, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng các giải pháp đó là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn với phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, đồng thời huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay. Đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và các lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số.
Để công tác chuyển đổi số đạt kết quả cao, đòi hỏi người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động chuyển đổi số thiết thực tại địa bàn, địa phương phụ trách. Mỗi cơ quan, tổ chức cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng cho tỉnh trong những năm tới.