Phấn đấu đến năm 2030 có 3.900 nhân lực cho điện hạt nhân

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 sẽ đào tạo, bồi dưỡng bổ sung khoảng 3.900 nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế cho các nhà máy điện hạt nhân.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 26/5/2025 phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân đến năm 2035".

Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016. Ảnh: xaydungchinhsach.chinhphu.vn

Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016. Ảnh: xaydungchinhsach.chinhphu.vn

Mục tiêu của Đề án là đến năm 2030, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.

Cụ thể, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1: Tổng số khoảng 1.920 người, trong đó trình độ đại học (kỹ sư, cử nhân) là 1.020 người, trình độ cao đẳng là 900 người. Số lượng nhân lực có trình độ đại học được đào tạo mới ở nước ngoài là 320 người.

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2: Tổng số khoảng 1.980 người, trong đó trình độ đại học và sau đại học là 1.050 người, trình độ cao đẳng là 930 người. Số lượng nhân lực có trình độ đại học và sau đại học được đào tạo mới ở nước ngoài là 350 người.

Về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ quản lý Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, Đề án phấn đấu đến năm 2030 bồi dưỡng, thực tập ngắn hạn các kỹ năng chuyên sâu về quản trị và hoạt động của nhà máy điện hạt nhân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia đang quản lý ở các bộ, ngành và đang làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân ở các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, dự kiến khoảng 700 lượt người; cập nhật kiến thức cho các giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên hiện đang làm công tác giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu, trường cao đẳng có đào tạo các chuyên ngành điện hạt nhân, dự kiến khoảng 450 người.

Về đào tạo giảng viên chuyên ngành phục vụ đào tạo nguồn nhân lực Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, Đề án đặt mục tiêu đào tạo giảng viên các chuyên ngành điện hạt nhân để bổ sung nguồn nhân lực giảng dạy cho các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 khoảng 120 người (80 thạc sĩ, 40 tiến sĩ).

Giai đoạn 2031 - 2035, Đề án phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế cho các nhà máy điện hạt nhân.

Trước đó, thông tin đưa ra tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân do Bộ Công Thương tổ chức ngày 2/1/2025, hiện số nhân lực về điện hạt nhân làm việc chủ yếu trong các cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ, một số trường đại học, Viện nghiên cứu và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Bên cạnh đó, số lượng giảng viên đào tạo lĩnh vực hạt nhân còn ít; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy thiếu và lạc hậu, nên hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực chuyên ngành hạt nhân còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

Việc phát triển nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược và có ý nghĩa quyết định đến thành công của dự án nhà máy điện hạt nhân, đáp ứng mục tiêu an toàn, hiệu quả và bền vững.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phan-dau-den-nam-2030-co-3900-nhan-luc-cho-dien-hat-nhan-389602.html