Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 95% trở lên

Sáng nay (2/10), UBND tỉnh tổ chức Hội nghị báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 9 tháng (bao gồm cả vốn kéo dài năm 2022 sang 2023) bàn nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2023; phương án điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lò Văn Tiến, Vừ A Bằng chủ trì hội nghị.

Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị.

Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2023 đến 31/8 là 1.729,503/4.624,531 tỷ đồng, đạt 37,40% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể: Vốn ngân sách địa phương giải ngân 540,932/1.299,619 tỷ đồng (đạt 41,62%); vốn ngân sách trung ương là 735,393/2.148,294 tỷ đồng (đạt 34,23%); vốn thực hiện 3 Chương trình MTQG là 453,178/1.176,618 tỷ đồng (đạt 38,52%); thanh toán vốn kế hoạch kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023 (không bao gồm nguồn dự phòng NSTW) là 278,101/617,450 triệu đồng (đạt 45,04%). Toàn tỉnh phấn đấu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 đến 31/01/2024 là 4.458,285 tỷ đồng, đạt 96,4% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm; trong đó giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương, 95% kế hoạch vốn ngân sách trung ương và 95% kế hoạch vốn Chương trình MTQG.

Tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng, đến hết 31/8/2023 tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân cả nước (39,60%). Thực hiện theo Chỉ thị số 1375/CT-UBND ngày 19/4/2023 của UBND tỉnh: Có 5/38 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%; 9/38 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt mức trên 50% đến dưới 70%. So với tỷ lệ giải ngân trung bình toàn tỉnh: Có 21/38 đơn vị đạt trên, 17/38 đơn vị ở dưới mức trung bình của tỉnh, trong đó 4 đơn vị chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân. Một số đơn vị được giao kế hoạch vốn lớn, song số vốn chưa giải ngân lớn như: UBND thành phố Điện Biên Phủ; Ban QLDA các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ban QLDA các công trình giao thông và Sở Y tế. Bên cạnh đó, chất lượng lập kế hoạch và công tác chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư cho các dự án tại một số đơn vị chưa tốt, thiếu chủ động dẫn đến các dự án dự kiến khởi công mới không đảm bảo điều kiện để giao vốn theo quy định trước ngày 31/12/2022 hoặc phải điều chỉnh kế hoạch vốn sang các dự án khác. Tiến độ triển khai các Chương trình, dự án có kế hoạch vốn lớn còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đặc biệt tại các dự án có quy mô lớn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ triệt để.

Đồng chí Vũ Ngọc Vương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình một số vướng mắc của các chủ đầu tư trong công tác GPMB.

Đồng chí Vũ Ngọc Vương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình một số vướng mắc của các chủ đầu tư trong công tác GPMB.

Nguyên nhân chậm giải ngân vốn là do: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tại một số địa phương, đơn vị chưa sâu sát, quyết liệt. Năng lực lập kế hoạch, kiểm soát hồ sơ dự án, tổ chức triển khai thực hiện tại một số đơn vị còn nhiều bất cập, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả dẫn tới việc hoàn thiện thủ tục đầu tư chậm, không đảm bảo điều kiện phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 trước ngày 31/12/2022. Công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành chưa được các chủ đầu tư, đơn vị thi công ưu tiên bố trí nhân lực thực hiện. Sự phối hợp giữa các đơn vị được giao chủ đầu tư với các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương có dự án đầu tư chưa nhịp nhàng, hiệu quả.

Tại hội nghị, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố đều cho rằng khó khăn vướng mắc chính dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), trong đó vướng mắc nhất là xác minh nguồn gốc đất. Bên cạnh đó, do công trình năm 2023 chủ yếu là công trình khởi công mới nên mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ thủ tục nên một số dự án chưa khởi công, chưa có khối lượng giải ngân.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô khẳng định tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2023 còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trên 95%, trong đó đến hết quý IV đạt trên 90%, các cấp, ngành, đơn vị chủ đầu tư tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các ý kiến chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Phải xác định công tác giải ngân vốn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023 để chỉ đạo sâu sát hơn, quyết liệt hơn đối với từng danh mục dự án. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB, trong đó chú trọng công tác đo đạc, quy chủ, lập bản đồ hồ sơ địa chính về đất đai; khẩn trương kiểm đếm, lên phương án, thẩm định và phê duyệt phương án GPMB. Làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ GPMB; trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc cần tổng hợp gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu cho UBND tỉnh xử lý. Riêng UBND TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên tăng cường thêm cán bộ chuyên môn để thực hiện công tác GPMB. Tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ giữa UBND huyện và các ngành trong việc giải quyết các thủ tục về đầu tư, hạn chế thấp nhất việc trả lại hồ sơ các dự án. Đồng thời, đôn đốc tiến độ, thi công xây dựng và nghiệm thu khi có khối lượng hoàn thành để giải ngân, thanh toán và hoàn ứng. Nếu nhà thầu không đủ năng lực, các chủ đầu tư cần có giải pháp xử lý để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn; quan tâm kế hoạch chuẩn bị đầu tư các dự án theo kế hoạch đầu tư công năm 2024. Bên cạnh đó, các địa phương rà soát lại tất cả các dự án hỗ trợ sản xuất thuộc 3 Chương trình MTQG để tổ chức thực hiện đúng quy trình, quy định pháp luật, đảm bảo hiệu quả, tính khả thi của từng dự án.

Tin, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/209375/phan-dau-giai-ngan-von-dau-tu-cong-nam-2023-dat-95-tro-len