Phấn đấu hình thành trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh trong 5, 10 năm nữa

Tối 21/1 theo giờ địa phương, tại Davos, Thụy Sỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại tọa đàm 'Ứng dụng AI trong sản xuất thông minh và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh'.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại tọa đàm "Ứng dụng AI trong sản xuất thông minh và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh". (Ảnh: Nhật Bắc)

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại tọa đàm "Ứng dụng AI trong sản xuất thông minh và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh". (Ảnh: Nhật Bắc)

Tọa đàm do Đảng bộ, chính quyền TP. Hồ Chí Minh và tập đoàn Sovico, một trong những nhà sáng lập của Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Tham dự sự kiện có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan và địa phương, thành viên đoàn công tác; cùng khoảng 60 đại biểu quốc tế gồm đại diện WEF, lãnh đạo mạng lưới C4IR thế giới, lãnh đạo các tập đoàn công nghệ, tài chính hàng đầu trên thế giới.

Các đại biểu tập trung thảo luận về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất thông minh và hợp tác cùng Trung tâm C4IR; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển hợp tác trung tâm tài chính của đối tác nước ngoài, cơ hội hợp tác phát triển cùng Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh; khuyến nghị cho Việt Nam và các kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại

Các đại biểu đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, định hướng cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.

Sau 3 năm triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đã đạt một số kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, mục tiêu đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là khát vọng của Thành phố mà còn là quyết tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: Nhật Bắc)

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, mục tiêu đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là khát vọng của Thành phố mà còn là quyết tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: Nhật Bắc)

Tại Việt Nam, AI đang góp phần nâng cao rõ rệt năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người và ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ AI. Các đại biểu khẳng định Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đang tập trung tái cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, cam kết mạnh mẽ về phát triển các ngành then chốt như công nghiệp bán dẫn, AI, hạ tầng số…

Thành phố đang hình thành cơ chế khuyến khích AI và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Tháng 9/2024, với sự phối hợp chặt chẽ của WEF, Trung tâm C4IR TPHCM đã hình thành và đi vào hoạt động. Đây là nỗ lực lớn, có tính đột phá để hướng tới Thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại.

Ông cũng cho biết, mục tiêu đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là khát vọng của Thành phố mà còn là quyết tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Thông tin về những thành tựu quan trọng của tập đoàn Sovico, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch sáng lập tập đoàn cho biết, trên các lĩnh vực đa ngành như hàng không, ngân hàng, bất động sản là nền tảng để tập đoàn tiếp tục đầu tư vào những lĩnh vực mới mang tính chiến lược như công nghệ, hạ tầng số và năng lượng tái tạo.

Bên cạnh kế hoạch xây dựng một trong những trung tâm dữ liệu lớn nhất Đông Nam Á và sử dụng năng lượng sạch, Sovico cũng đang xây dựng hệ thống cáp quang biển mới nối Việt Nam và Singapore, cũng như trang bị Internet vệ tinh cho toàn bộ đội tàu bay của Vietjet.

Sovico cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong các sáng kiến quốc gia về AI và bán dẫn, góp phần xây dựng năng lực công nghệ cao của đất nước, xây dựng một Việt Nam hiện đại và thông minh, phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới. "Chúng tôi tin rằng với sự hỗ trợ và định hướng của Chính phủ, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm công nghệ cao mới của khu vực", ông Hùng nói.

Ông Naga Chandrasekaran, Phó Chủ tịch Điều hành và Giám đốc Hoạt động toàn cầu của Intel cho biết đến nay, Intel đã xuất khẩu khoảng 29 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam, chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu của hãng.

Ông cam kết Intel tích cực đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực tăng trưởng ít nhất 8% năm 2025 và hai con số trong những năm tới, thông qua việc mang thêm nhiều các nhà cung cấp trên toàn cầu tới Việt Nam, hỗ trợ hình thành trung tâm tài chính TPHCM cũng như mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0.

"Intel đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Việt Nam và chúng tôi cam kết phát triển có trách nhiệm, tích cực đóng góp vào các mục tiêu chiến lược, các sáng kiến xanh của Việt Nam", ông nói.

Ông Nobumitsu Hayashi, Thống đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho biết theo khảo sát gần đây, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn thứ nhì với các doanh nghiệp Nhật Bản. (Ảnh: Nhật Bắc)

Ông Nobumitsu Hayashi, Thống đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho biết theo khảo sát gần đây, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn thứ nhì với các doanh nghiệp Nhật Bản. (Ảnh: Nhật Bắc)

Ông Nobumitsu Hayashi, Thống đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho biết theo khảo sát gần đây, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn thứ nhì với các doanh nghiệp Nhật Bản, chỉ sau Ấn Độ. JBIC cam kết hỗ trợ phát triển hạ tầng năng lượng sạch tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, cũng như tiếp tục hợp tác trong phát triển Trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh.

Kỳ vọng Trung tâm C4IR trở thành hạt nhân đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại tọa đàm, đánh giá cao các nội dung được thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng vừa qua, việc Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP. Hồ Chí Minh được thành lập là hoàn toàn phù hợp chủ trương và góp phần tích cực triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu, các nhà đầu tư trên thế giới tiếp tục góp ý tháo gỡ về thể chế và cách thức huy động nguồn lực để phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Thể chế phải thông thoáng; quy định và thủ tục phải đơn giản, tránh rườm rà, không cần thiết; từ đó huy động được mọi nguồn lực trong và ngoài nước, đa dạng hóa nguồn lực với quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp.

Về trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng đề nghị các tập đoàn lớn chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để có thể hình thành nhanh trung tâm này. (Ảnh: Nhật Bắc)

Về trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng đề nghị các tập đoàn lớn chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để có thể hình thành nhanh trung tâm này. (Ảnh: Nhật Bắc)

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý và nghiên cứu, tham gia, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tại TP. Hồ Chí Minh mang tính căn cơ, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, giải quyết cả các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài. Hiện TP. Hồ Chí Minh vẫn là trung tâm lớn của cả nước về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhưng trong thời đại thông minh thì hạ tầng này vẫn chưa đáp ứng được.

Phân tích về các xu thế lớn, Thủ tướng đánh giá, thế giới ngày nay đang phân cực hóa về chính trị, đa dạng hóa về thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, xanh hóa về sản xuất kinh doanh và dịch vụ, số hóa mọi hoạt động của con người. Ngoài ra, thế giới còn đối diện các vấn đề như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên… Đây là những vấn đề mà các nước phải đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu để giải quyết.

Thủ tướng kỳ vọng Trung tâm C4IR trở thành hạt nhân đổi mới sáng tạo, phát triển xứng tầm với TP. Hồ Chí Minh và quan hệ giữa WEF với Việt Nam nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng, phát huy và lan tỏa ảnh hưởng tích cực của WEF, góp phần giải quyết các vấn đề của Việt Nam, khu vực và thế giới.

Về trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng đề nghị các tập đoàn lớn chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để có thể hình thành nhanh trung tâm này. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được"; thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc là những yếu tố quyết định thành công.

Theo người đứng đầu Chính phủ, những việc nói trên đang được triển khai bước đầu với tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu chia sẻ những băn khoăn, trăn trở, cảm xúc, ấn tượng về TP. Hồ Chí Minh, tiếp tục góp ý hiến kế để TP. Hồ Chí Minh phát huy những gì đã làm tốt, khắc phục những gì chưa làm tốt, có thêm tự tin, bản lĩnh, trí tuệ để thúc đẩy phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, có thêm những công trình lớn để chào mừng những ngày lễ lớn trong năm 2025, đặc biệt là hình thành được trung tâm tài chính quốc tế trong khoảng 10 năm và phấn đấu hình thành trong 5 năm, góp phần vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước, kỷ nguyên phát triển văn minh, giàu mạnh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc.

Nguyễn Hồng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phan-dau-hinh-thanh-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tp-ho-chi-minh-trong-5-10-nam-nua-301824.html