Phấn đấu phát triển kinh tế dưới tán rừng thành một chuỗi ngành hàng
Thời gian qua, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng được một số địa phương thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, nhìn chung việc sử dụng hệ sinh thái rừng hiện còn đơn lẻ, chưa chú trọng theo hướng đa mục đích, đa giá trị. Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc phỏng vấn bà NGUYỄN HỒNG PHƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về nội dung này.
-Thưa bà! Trên cơ sở diện tích rừng rộng lớn và nguồn tài nguyên của rừng đa dạng, thời gian qua cùng với việc tỉnh xác định phát triển rừng bền vững là nhiệm vụ quan trọng thì phát triển kinh tế dưới tán rừng được chú trọng như thế nào?
-Tỉnh Quảng Trị hiện có tổng diện tích rừng 245.817 ha, trong đó rừng tự nhiên 126.732 ha, rừng trồng 119.085 ha, độ che phủ khoảng 49,5%. Về đa dạng sinh học, rừng Quảng Trị có thành phần loài động, thực vật phong phú với khoảng trên 1.452 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 670 chi và 153 họ của 5 ngành thực thực vật khác nhau, trong đó có khoảng 200 loài cây gỗ, 110 loài thú thuộc 30 họ, 10 bộ. Với tổng số 333 loài động vật có xương sống ở cạn, trong đó có 56 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 40 loài ghi trong Sách đỏ thế giới. Có tới hơn 400 loài thực vật cho lâm sản ngoài gỗ. Rừng trồng có các loài cây trồng chủ yếu là keo, thông các loại, sao đen... và các loài cây bản địa khác. Kết quả khảo sát, điều tra trên địa bàn tỉnh bước đầu đã thống kê được hơn 230 loài cây dược liệu, trong đó có 199 loài thuộc danh mục dược liệu được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018.
Kinh tế dưới tán rừng được hiểu là những giá trị đem lại từ rừng theo hướng đa chức năng, đa giá trị, vượt ra khỏi nhận thức truyền thống chỉ tính giá trị của rừng qua sản lượng gỗ cung cấp được. Nó có thể bao gồm các giá trị đem lại từ các hoạt động: Chăn nuôi dưới tán rừng (ong, dê, gia cầm...), trồng xen cây đặc sản dưới tán rừng (quế, bời lời...), trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng (song mây, phong lan các loại...), trồng cây dược liệu dưới tán rừng (bảy lá một hoa, ba kích, sâm cau...), các giá trị dịch vụ môi trường rừng như tiền dịch vụ môi trường rừng cho thủy điện, nước sạch, hấp thụ cacbon, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…Phát triển kinh tế dưới tán rừng là hướng mở nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo vệ rừng.
Tại tỉnh Quảng Trị, loại hình trên đang được chú trọng phát triển. Ở các khu rừng trồng và giáp ranh rừng tự nhiên, việc nuôi ong phát triển tốt mặc dù còn manh mún, tự phát nhưng cũng đã cung cấp lượng lớn mật ong cho thị trường. Tại các huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, thông qua các chương trình, dự án, sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức quốc tế, việc phát triển diện tích trồng cây lâm sản ngoài gỗ, đặc sản cũng liên tục được mở rộng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh hiện nay hơn 3.555 ha, phân bố hầu hết trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung phần lớn ở 5 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh. Có khoảng 40 loài dược liệu đã được nghiên cứu ứng dụng, mở rộng quy mô sản xuất, khai thác trong tự nhiên để chế biến và tiêu thụ cùng với hàng trăm loài dược liệu được người dân thu hái để làm thuốc như: Cây Ba kích tím, sa nhân tím, sâm ngọc linh, quế, đẳng sâm, lan kim tuyến... trồng dưới tán rừng (chủ yếu trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông). Một số loài đã tạo ra các sản phẩm dược liệu với số lượng lớn như tinh dầu tràm, cao an xoa, cao lá vằng, chè vằng hòa tan, cao cà gai leo, trà cà gai leo, sâm bố chính, đông trùng hạ thảo Sa mù, cao dây thìa canh, cao lá đung, cao hà thủ ô... đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, những tiềm năng này vẫn chưa được khai thác sử dụng theo hướng đa mục đích một cách có hệ thống, chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
-Bà có thể cho biết để phát triển kinh tế dưới tán rừng, tỉnh đang có những thuận lợi, khó khăn gì?
-Tỉnh Quảng Trị nằm trong vùng có điều kiện tự nhiên đa dạng, thích hợp cho việc phát triển các loại cây, con đạt năng suất, chất lượng cao. Diện tích rừng lớn, có tiềm năng để trồng cây đặc sản, trồng xen cây lâm sản ngoài gỗ, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, chăn nuôi dưới tán rừng. Với lợi thế về vị trí địa lý kinh tế thuận lợi, cho phép tỉnh mở rộng giao lưu và phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ với các vùng trong nước và các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan. Cùng với đó, lực lượng lao động dồi dào, người dân cần cù; phần lớn đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và một bộ phận dân cư bước đầu được trang bị các kiến thức khoa học kỹ thuật cơ bản và tiên tiến trong lâm nghiệp. Trên cơ sở đó thì nhu cầu thị trường, đặc biệt là từ lâm sản ngoài gỗ và dược liệu ngày một tăng mạnh, nền kinh tế, xã hội của tỉnh và cả nước tiếp tục phát triển ổn định sẽ tạo nhiều cơ hội cho việc phát triển kinh tế dưới tán rừng.
Tuy nhiên, để phát triển kinh tế dưới tán rừng đúng như mong đợi, tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng của ngành chưa thực sự bền vững, giá trị gia tăng của sản phẩm dưới tán rừng còn thấp, nhiều nơi khi khai thác giá trị sản phẩm bán ra thị trường chưa bù đắp đủ chi phí nếu tính đúng, tính đủ. Năng suất chưa cao, chưa đồng đều dẫn đến giá trị thu nhập cho người lao động làm nghề rừng còn thấp, chưa thể thực sự sống bằng nghề rừng. Công tác giao, cho thuê, khoán rừng và đất lâm nghiệp vẫn còn chậm so với yêu cầu. Chưa tạo ra được vùng nguyên liệu tập trung để đáp ứng ổn định nhu cầu thị trường, thiếu quy hoạch và tầm nhìn chiến lược, sản phẩm chưa đa dạng, phong phú, tính cạnh tranh chưa cao. Thị trường hàng hóa cho kinh tế dưới tán rừng vẫn còn thiếu thông tin nên chưa có sự chủ động trong sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, việc phát triển các cây con và sản phẩm dưới tán rừng trên địa bàn thiếu định hướng, còn mang tính tự phát, chưa xác định được những cây, con tiềm năng, phù hợp với các vùng sinh thái gắn với bản đồ dược tính để tập trung đầu tư phát triển quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ. Việc tổ chức quản lý về khai thác, bảo tồn và phát triển các cây, con dưới tán rừng còn nhiều bất cập. Công tác nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo tồn còn hạn chế. Việc nghiên cứu phát triển giống, kỹ thuật và thổ nhưỡng nuôi trồng để bảo tồn phát triển chưa được quan tâm đúng mức….
-Để phát huy kinh tế dưới tán rừng một cách hiệu quả, tỉnh cần tập trung vào những nội dung và cơ chế, chính sách gì, thưa bà?
-Trước hết cần tập trung đánh giá rà soát kết quả thực hiện công tác quy hoạch ngành nông nghiệp nói chung và triển khai vùng nuôi trồng dưới tán rừng nói riêng. Cần quan tâm các khu vực, tiểu vùng sinh thái sản xuất và bảo tồn dược liệu quý, hiếm trên địa bàn tỉnh. Công tác quy hoạch mang tính chất lâu dài phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tiểu vùng; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung.
Ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống cây trồng vật nuôi dưới tán rừng và phát triển ở quy mô lớn phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Đầu tư kinh phí sự nghiệp cho các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng và chế biến gắn với phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp sinh thái.
Tăng cường công tác thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại các vùng nguyên liệu quy mô lớn. Nghiên cứu hình thành trung tâm kinh doanh và thu mua tại các vùng trọng điểm. Khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân, trong đó doanh nghiệp hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và người dân tổ chức sản xuất, cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp tiêu thụ. Xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối.
Hướng dẫn thực hiện và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách có liên quan đến ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu dưới tán rừng, trong đó có Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh Quảng Trị quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi, tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026.
Quan điểm chung của ngành là phải phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; phát triển, sử dụng rừng theo hướng đa chức năng, đa giá trị, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng, địa phương. Nâng cao giá trị các sản phẩm của rừng theo chuỗi, nghiên cứu, xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù đối với từng loại rừng để phát huy giá trị loại rừng đó. Hoàn thiện một số chính sách có liên quan đến phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, trồng cây dược liệu, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, hấp thụ cacbon và dịch vụ du lịch sinh thái gắn với rừng. Khai thác tiềm năng, giá trị của rừng gắn với mục tiêu đưa kinh tế dưới tán rừng thành một chuỗi ngành hàng, tích hợp giữa du lịch sinh thái, du lịch miền núi...giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số, người trồng rừng, giữ rừng nâng cao thu nhập.
-Xin cảm ơn bà!
Tú Linh (thực hiện)