Phấn đấu tăng trưởng cao nhất

Ở thời điểm này, khi chỉ còn 1 tháng là hết năm 2022, vấn đề được quan tâm nhất là kết quả phát triển kinh tế, nhất là tốc độ tăng trưởng cả năm 2022 sẽ là bao nhiêu. Tuy còn sớm để chốt số liệu chung cuộc, nhưng có thể chắc chắn mức tăng trưởng năm nay sẽ thỏa mãn sự kỳ vọng của xã hội, tạo đà cho năm 2023. Song, cũng vẫn còn không ít thách thức, khó khăn cần giải quyết để nền kinh tế có được mức tăng trưởng cao nhất.

Chế biến ngô ngọt xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Vũ Sinh

Chế biến ngô ngọt xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Vũ Sinh

Tăng trưởng vượt mức dự kiến

Theo Báo cáo của Chính phủ, dự kiến cả năm 2022, nền kinh tế sẽ đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng khoảng 8% (mục tiêu tăng 6-6,5%). Thực tế này cho thấy sự bứt phá liên tục và rõ nét của nền kinh tế trong suốt năm 2022. Cộng đồng quốc tế cũng xác nhận, năm 2022, Việt Nam là một trong số ít quốc gia hiếm hoi có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Đặc biệt, Việt Nam ghi dấu ấn rất tích cực trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Trong 10 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021. 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và nền kinh tế cũng xuất siêu 9,4 tỷ USD giá trị hàng hóa.

Đáng lưu ý, kết quả trên gặt hái được trong thời gian từ đầu năm 2022 đến nay, khi tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ. Các bất lợi đó gây áp lực rất lớn, đòi hỏi sự điều hành kịp thời, linh hoạt và phù hợp để duy trì sự ổn định, giữ đà tăng trưởng của nền kinh tế. Đó là sự đứt gãy chuỗi cung ứng, mất cân đối cung - cầu nguyên liệu đầu vào; lạm phát tăng, chi tiêu và đầu tư trên thế giới giảm. Ở trong nước, áp lực giá xăng, dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực. Thiên tai, bão lũ gây nhiều thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, cùng với sự năng động, vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã hành động khẩn trương, linh hoạt, đặt hiệu quả chỉ đạo lên trên hết, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khắc phục các điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế. Kết quả là kinh tế vĩ mô được giữ ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định, góp phần đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Vì vậy, hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng ổn định. Tổ chức Fitch xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB với triển vọng “tích cực” và Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi sau dịch Covid-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới.

Liên quan nội dung trên, Chính phủ nhận định, năm 2022 sẽ ghi dấu ấn khá toàn diện trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty cổ phần Tôn mạ Vnsteel Thăng Long (huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty cổ phần Tôn mạ Vnsteel Thăng Long (huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Thách thức và giải pháp

Các chuyên gia nhận xét, việc đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2022 hay không không phải là sức ép lớn nhất. Nền kinh tế vẫn đang trên đà tăng trưởng, duy trì thu hút đầu tư trong và ngoài nước tốt bên cạnh giữ vững nhịp độ xuất khẩu cao. Các tổ chức uy tín như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á… đều dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn so với kế hoạch đề ra.

Song, tình hình không cho phép chủ quan, mà yêu cầu đặt ra là tập trung nhận diện những hạn chế, bất lợi để chủ động ứng phó, hướng tới mức tăng trưởng cao nhất.

Tại các cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, vượt dự báo. Trong khi nền kinh tế có độ mở lớn, năng lực nội tại, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế. Công tác phân tích, dự báo, xây dựng, triển khai chính sách, giải pháp ứng phó với biến động tình hình của một số cơ quan chức năng còn bị động, chưa kịp thời.

Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng, người lao động đang bị giảm giờ làm, thậm chí mất việc. Dự báo, việc cắt giảm lao động có thể lan rộng đến nhiều doanh nghiệp hơn trong thời gian cuối năm 2022 và quý I-2023, do các thị trường lớn giảm việc nhập khẩu hàng Việt Nam. Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans Phạm Văn Việt, từ quý III-2022, đơn vị đã phải giảm 50% công suất vì thiếu đơn hàng.

Thực tế trên có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế, gây bị động cho công tác điều hành. Được biết, Bộ Công Thương đang chỉ đạo tăng cường dự báo, đánh giá thị trường, xúc tiến xuất khẩu, phát triển thương mại điện tử. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu khẩn trương rà soát thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, bên cạnh việc tận dụng thời gian nhằm tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm cho biết, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước sẽ làm GDP tăng thêm 0,058%. Đặc biệt, trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp rất quan trọng.

Các chuyên gia nhận xét, năm 2022, tình hình kinh tế thế giới và dịch Covid-19 có nhiều bất định, tác động mạnh tới kinh tế trong nước. Nhưng kinh tế nước ta đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, tạo thế và lực để phát triển nhanh và bền vững trong năm tới.

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1048800/phan-dau-tang-truong-cao-nhat