Phấn đấu tăng trưởng ngành Nông nghiệp của cả nước năm 2025 đạt 3,5-4%
Chiều 27/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024; triển khai kế hoạch năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có các đồng chí: Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Khắc Hiếu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Năm 2024, ngành Nông nghiệp thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đặc biệt, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc.
Vượt qua khó khăn, năm 2024, giá trị sản xuất toàn ngành đạt mức tăng trưởng ước đạt 3,3%; tỉ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; 78,7% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 58% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường.
Năm 2025 là năm cuối để tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển ngành Nông nghiệp 5 năm 2021-2025, toàn ngành tiếp tục tập trung chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, phát triển kinh tế nông thôn và nông dân văn minh.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp trong năm 2024 đóng góp to lớn vào phát triển chung của đất nước.
Để thực hiện mục tiêu năm 2025 tăng trưởng của ngành Nông nghiệp đạt từ 3,5 - 4% với phương châm thích ứng linh hoạt, tăng tốc bứt phá, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Nông nghiệp quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ, phân công rõ người, rõ việc; đẩy mạnh ngoại giao nông nghiệp, nắm chắc thị trường để vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước, vừa đảm bảo xuất khẩu.
Tập trung tháo gỡ vưỡng mắc trong quy hoạch, xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp nhanh, bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào sản xuất để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đa giá trị; triển khai hiệu quả đề án xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy đảm bảo hiệu quả, phù hợp thực tiễn.