Phấn đấu thu nội địa năm 2024 tăng 5-7%, thu từ xuất nhập khẩu tăng 4-6%
Một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị số 21/CT-TTg là phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2024 tăng 5-7%, thu từ xuất nhập khẩu tăng 4-6% so với năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024.
Chỉ thị nêu rõ: Dự toán thu NSNN năm 2024 phải được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời các nguồn thu của NSNN, đi đôi với phân tích, dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước để đánh giá sát khả năng thực hiện thu NSNN năm 2023 cũng như dự toán năm 2024.
Theo đó, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2024 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2023 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).
Mức tăng trưởng tại từng địa phương phù hợp với tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh tại từng địa bàn trên cơ sở có tính đến cả yếu tố tăng cường quản lý thu, chống thất thu và thu hồi nợ thuế. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2023.
Toàn bộ số thu sắp xếp lại, xử lý tài sản công (trong đó có nhà, đất), số thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và số thu từ khai thác quỹ đất, mặt nước (sau khi trừ đi các chi phí có liên quan) phải được lập dự toán đầy đủ và thực hiện nộp NSNN theo đúng quy định của pháp luật.
Thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31/1/2021 của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp.
Đối với dự toán chi NSNN, xây dựng dự toán chi NSNN năm 2024 đảm bảo các quy định của pháp luật; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên NSNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trong đó, về chi đầu tư phát triển bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, ba đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bố trí đủ vốn để thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước theo quy định của pháp luật (nếu có);
Bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2024, vốn tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ cấp bù lãi suất, phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, vốn cho các dự án chuyển tiếp theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chỉ thị cũng yêu cầu xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2024 phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương năm 2024, giai đoạn 2023-2025; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thực hiện; chế độ, chính sách chi NSNN, bảo đảm đủ nguồn lực thực hiện các chế độ, chính sách do Trung ương đã ban hành.