Phản hồi loạt bài Khi dự án BT 'mắc cạn': Loay hoay tìm giải pháp khơi thông

Từ ngày 7 đến 11- 11, Báo SGGP đã đăng tải loạt bài Khi dự án BT 'mắc cạn' phản ánh tình trạng các dự án đầu tư hạ tầng theo hợp đồng BT bị vướng mắc phải dừng lại dở dang, rất lãng phí. Nhằm cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc, chúng tôi tiếp tục ghi nhận phản hồi từ các địa phương.

TPHCM xin cơ chế sớm tiếp tục triển khai

Xung quanh vướng mắc của các dự án BT tại TPHCM, ông Đinh Khắc Huy, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, cho biết, đang xin cơ chế để tiếp tục triển khai. Theo ông Huy, trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư có hiệu lực thi hành, trên địa bàn TPHCM, việc triển khai dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT thực hiện theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP, Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015, Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 4-5-2018, Nghị định 69/2019/NĐ-CP ngày 15-8-2019.

Trong bối cảnh khả năng cân đối ngân sách qua từng thời kỳ nhìn chung chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, TPHCM có nhiều lợi thế về tiềm lực khai thác quỹ đất hấp dẫn nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức hợp đồng BT với phương thức Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất hoặc bằng vốn ngân sách thành phố trả chậm.

Do đó, thành phố đã kêu gọi đầu tư một số dự án BT nhằm tận dụng được nguồn lực về tài chính của khu vực tư nhân, giảm áp lực ngân sách, đáp ứng nhu cầu đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội.

Qua ghi nhận, TPHCM đã ký 13 hợp đồng BT với tổng mức đầu tư 47.607 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án chuyển tiếp đang gặp khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất, Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) vướng mắc chủ yếu ở cơ chế thanh toán, UBND TPHCM đã có Báo cáo số 271/BC-UBND ngày 24-9-2024 xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ cho dự án.

Thứ hai, Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật nội bộ khu I Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc chậm tiến độ do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, chậm thanh toán cho nhà đầu tư. Hiện nay, các đơn vị sở ngành đang rà soát, báo cáo UBND TPHCM về tính khả thi tiếp tục triển khai dự án theo chỉ đạo tại Thông báo số 195/TB-VP ngày 6-3-2024 và Thông báo số 364/TB-VP ngày 10-4-2024.

 Đoạn Vành đai 2 dài 2,7km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức, TPHCM) đã dừng thi công trong thời gian dài. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đoạn Vành đai 2 dài 2,7km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức, TPHCM) đã dừng thi công trong thời gian dài. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thứ ba, Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - quốc lộ 1, TP Thủ Đức. Nguyên nhân chậm tiến độ do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa ký kết Phụ lục hợp đồng theo Kết luận Kiểm toán, chưa thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư. Hiện nay, UBND TPHCM đang có văn bản xin ý kiến hướng dẫn của Bộ KH-ĐT nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.

Thứ tư, Dự án đầu tư xây dựng đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành đai 2 (tại nút giao An Phú dọc theo tuyến đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây). Nguyên nhân chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng. Hiện nhà đầu tư đang thực hiện công tác báo cáo giám sát đánh giá dự án trước khi điều chỉnh, đồng thời kiến nghị UBND TPHCM xem xét xử lý.

Trên cơ sở Nghị quyết 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, ông Đinh Khắc Huy cho biết, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở TN-MT chủ trì, tham mưu quy trình thanh toán quỹ đất đối với Hợp đồng BT đã ký kết theo quy định tại khoản 7 Điều 6 Nghị quyết số 98. Nội dung này cũng đã được Sở TN-MT xây dựng và báo cáo UBND TPHCM, Ban Cán sự đảng UBND TPHCM thông qua, gồm có 3 nguyên tắc.

Thứ nhất, thời điểm thực hiện giao đất, cho thuê đất để thanh toán Hợp đồng BT căn cứ theo khối lượng xây dựng công trình thuộc dự án áp dụng loại Hợp đồng BT đã hoàn thành tiến độ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu theo quy định của pháp luật và được kiểm toán.

Thứ hai, thực hiện giao đất, cho thuê đất, đảm bảo tại thời điểm thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất phải tính được nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư. Thứ ba, giá tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được xác định tại thời điểm quyết định giao đất cho thuê đất.

Về trình tự thanh toán gồm 4 bước: Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đất thanh toán; thực hiện giao đất, cho thuê đất; xác định giá đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Các bước này, Sở TN-MT đang tổng hợp ý kiến của các đơn vị để hoàn chỉnh, báo cáo UBND TPHCM thông qua trình tự thực hiện nêu trên.

Mặt khác, tại điểm d khoản 5 Điều 4 Nghị quyết số 98 có cho thành phố cơ chế áp dụng loại hình hợp đồng BT, thanh toán bằng vốn ngân sách thành phố. Đồng thời, dự án chỉ được quyết định chủ trương đầu tư khi xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Như vậy, việc thực hiện dự án BT thanh toán bằng ngân sách thành phố phải gắn liền với kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, hiện nay đã cơ bản phân bổ toàn bộ số vốn. Do đó, các dự án BT thanh toán bằng ngân sách thành phố sẽ được nghiên cứu thực hiện trong kỳ trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Đề xuất "lối ra" cho tuyến nối Gia Lai - Phú Yên

Theo ông Nguyễn Tấn Chân, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT tỉnh Phú Yên, xung quanh việc triển khai dự án tuyến đường bộ ĐT 647 nối tỉnh Phú Yên với Gia Lai, tỉnh Phú Yên đề nghị phía Gia Lai đầu tư đoạn tiếp giáp địa phận Phú Yên; còn tỉnh Phú Yên sẽ tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và các nguồn vốn khác để tiếp tục triển khai kết nối đồng bộ dự án theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.

Cho tới nay vẫn chưa biết khi nào mới thực hiện tiếp bởi tiềm lực của tỉnh hạn chế, chưa cân đối được nguồn vốn. Còn về hợp đồng BT, nhà đầu tư đã khởi kiện UBND tỉnh, nên mọi chuyện đang chờ tòa án xét xử.

Theo thông tin mà PV Báo SGGP có được, ngày 9-10-2024, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên xem xét trách nhiệm liên quan đến 2 dự án BT ở Phú Yên, gồm: dự án đường Điện Biên Phủ (TP Tuy Hòa) và dự án nâng cấp tuyến đường bộ ĐT 647 nối 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai về trình tự, thủ tục, thẩm quyền chưa đúng quy định. Qua đó, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo kiểm tra, rà soát các sai sót, vi phạm và chịu trách nhiệm xử lý theo quy định pháp luật.

Đồng Nai: Dự án đường Phước Bình vẫn giậm chân tại chỗ

Ngày 28-12-2018, UBND huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (cơ quan được ủy quyền) đã ký Hợp đồng số 79/HĐ.BT/UBNDLT về Dự án đầu tư xây dựng đường Phước Bình đoạn từ quốc lộ 51 đến Khu công nghiệp (KCN) Phước Bình theo hợp đồng BT với Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (Công ty Tuấn Lộc).

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 493 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Phước Bình và xã Phước Thái (huyện Long Thành) có tổng diện tích đất sử dụng khoảng 18ha. Đổi lại, diện tích đất Tuấn Lộc nhận về là 190ha (KCN Phước Bình 1), thời gian thực hiện dự án là hết năm 2019.

Trong quá trình triển khai dự án, Công ty Tuấn Lộc đã thực hiện xây dựng cuốn chiếu đoạn từ KCN ra quốc lộ 51 dài hơn 600m (từ KCN đến hết ranh tái định cư Phước Bình) và thực hiện đền bù cho người dân. Tuy nhiên, việc giải quyết bồi thường có nhiều khó khăn khi giá đất ở Long Thành đã thay đổi hệ số, tăng 4-6 lần (chuyển giao từ năm 2019 sang 2020).

Tuy nhiên, từ năm 2020-2023, dự án không thể triển khai vì hợp đồng BT trong quá trình triển khai bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc như: xác định chưa chính xác giá trị công trình BT, giá trị quỹ đất gây thất thoát lớn, chưa bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư. Đầu năm 2024, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành kế hoạch giám sát và đánh giá đầu tư dự án đường Phước Bình, nhưng đến nay vẫn chưa có lối ra!

HOÀNG BẮC

QUỐC HÙNG - NGỌC OAI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phan-hoi-loat-bai-khi-du-an-bt-mac-can-loay-hoay-tim-giai-phap-khoi-thong-post767922.html