Phản hồi loạt bài 'Mắc cạn' điện mặt trời, điện gió: Ngành điện không đủ thẩm quyền giải quyết các vướng mắc
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về việc vì sao nhiều chủ đầu tư không được ký hợp đồng bán điện sau khi đầu tư điện mặt trời, điện gió, ông Nguyễn Phước Đức, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), cho biết:
EVNSPC hiện đang quản lý hợp đồng điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại 21 tỉnh, thành phía Nam (trừ TPHCM), không quản lý điện gió. Thực hiện theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ, thì những công trình ĐMTMN hoàn thành sau ngày 31-12-2020 chúng tôi không thống kê con số cụ thể; hoặc khách hàng tự lắp đặt, tự sử dụng thì chúng tôi không quản lý. Còn đối với các công trình đã hoàn thành đúng thời hạn, bán được điện theo giá FIT (mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện) thì có tổng cộng 53.910 chủ đầu tư với tổng công suất 5.574MW, ước đoán tổng vốn đầu tư 90 ngàn tỷ đồng.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, hiện nay một số địa phương yêu cầu chủ đầu tư bổ sung đầy đủ các thủ tục mới được bán điện, như giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, an toàn công trình… Các chủ đầu tư than rằng, trước đây khi Nhà nước khuyến khích đầu tư thì không đề cập các thủ tục, nhưng khi đầu tư xong thì lại bắt buộc phải có đủ thủ tục, dẫn đến không bán được điện. EVNSPC đã xử lý trường hợp này ra sao?
Ông NGUYỄN PHƯỚC ĐỨC: Thật ra, việc này không giống như xây dựng nhà thì phải có giấy phép xây dựng trước, mà trước đây khi khuyến khích chủ đầu tư lắp đặt thì đơn giản các thủ tục. Tức là được lắp đặt trước, các thủ tục còn lại thì ký cam kết bổ sung. Công trình thi công xong, chúng tôi tổ chức đi khảo sát, rồi tiến hành đấu nối. Sau thời gian vận hành, ngành điện yêu cầu cung cấp các thủ tục thì chủ đầu tư liên lạc với chính quyền địa phương, từ đó nảy sinh vấn đề bổ sung đầy đủ pháp lý. EVNSPC tạm thời chưa thanh toán tiền mua điện đối với các trường hợp này. Nhằm xử lý vấn đề nói trên, EVNSPC đã triển khai 2 việc, thứ nhất là thông báo chủ đầu tư, thứ 2 là thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước (như Sở Xây dựng, Sở NN-PTNT, Phòng Cảnh sát PCCC-CHCN…) để hỗ trợ kiểm tra, cấp phép.
Chứ nói thẳng ra, lúc đó ngành điện yêu cầu phải có đủ thủ tục hồ sơ ngay từ đầu thì chắc chắn không làm được, vì thủ tục này rất lâu.
Đến nay vẫn không tháo gỡ hết các vướng mắc này, nguyên nhân do đâu? Tại sao có tỉnh thì tháo gỡ được, có tỉnh không?
Thực ra đó là những thủ tục hành chính bình thường, nhưng do sự quản lý của từng địa phương nên dẫn đến cách làm khác nhau. Ví dụ, tại một số tỉnh, các thủ tục đầu tư làm rất nhanh nhưng về giấy phép kinh doanh lại khó; vì họ nói rằng phải xin ý kiến Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về hạch toán mua bán như thế nào… Có địa phương, vì liên quan đến đất nông nghiệp, thì Sở NN-PTNN tiếp cận chậm hơn, cho biết phải chờ hướng dẫn của Trung ương. Tính đến đến ngày 4-11-2022, EVNSPC đang tạm dừng thanh toán 2.357 khách hàng tại 13 tỉnh, thành, nguyên nhân chủ yếu là yêu cầu bổ sung các thủ tục hồ sơ (mời xem biểu đồ cụ thể kế bên).
Vì sao lúc đầu, khi khuyến khích người dân tham gia đầu tư thì đơn giản hóa thủ tục, nhưng sau này khi công trình hoàn thành thì lại yêu cầu người dân hoàn tất thủ tục mới được bán điện? Cách hành xử như vậy có sòng phẳng?
Thật ra, lúc đó thời gian quá gấp gáp, ngành điện dồn hết lực để làm, chỉ ý thức rằng cứ mỗi Mega Watt ĐMTMN được phát lên lưới điện quốc gia thì đó là năng lượng xanh, góp phần cải tạo hệ thống điện, hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa. Chúng tôi cứ nghĩ là ký cam kết thì chủ đầu tư phải thực hiện. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng không lường hết mọi việc nên dẫn đến chủ đầu tư chủ quan. Lẽ ra, ngành điện cần có quy định rõ là chủ đầu tư cam kết hoàn tất các thủ tục trong bao lâu.
Trước thực trạng như vậy, EVNSPC có kiến nghị lên Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc Bộ Công thương, hay Chính phủ ban hành một bộ quy chuẩn, thủ tục pháp lý hoàn chỉnh để áp dụng thống nhất chung toàn quốc?
Hiện nay chúng tôi vẫn đang dừng lại ở việc kiến nghị tháo gỡ những dự án đã triển khai, đã ký hợp đồng mua bán điện mà gặp vướng mắc. Hàng tuần, chúng tôi đều tổng hợp các tiến độ tháo gỡ và đề xuất các giải pháp để trình lên cấp trên.
Như vậy, đã gần 2 năm ngành điện ngưng mua theo giá FIT, cho tới nay có thể chia làm 3 vướng mắc: Loại thứ nhất không hoàn thành đúng thời hạn, loại thứ 2 đúng thời hạn một phần, loại thứ 3 không bổ sung đầy đủ thủ tục. Trong khi thời hạn công trình chỉ có 20 năm, trễ 1 năm thì tuổi thọ công trình giảm 1 năm, chủ đầu tư phải gánh đủ thứ như lãi vay, chi phí vận hành công trình, hoàn vốn… Trách nhiệm của ngành điện như thế nào?
Trách nhiệm của ngành điện nói chung và EVNSPC nói riêng là thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao và đúng quy định của pháp luật. Ngành điện rất đồng cảm với các chủ đầu tư về việc đầu tư chưa đạt mục tiêu kỳ vọng, nhưng ngành điện cũng không đủ thẩm quyền để giải quyết đưa các dự án, hệ thống không đúng quy định theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg vào vận hành và ký kết hợp đồng mua bán ĐMTMN khi chưa có chủ trương mới về vấn đề này.
Tính đến ngày 4-11, EVNSPC đang tạm dừng thanh toán 2.357 khách hàng (KH)