Phân khúc cho thuê văn phòng chất lượng cao chiếm ưu thế
Việc nâng cấp chất lượng văn phòng vẫn là yếu tố được các doanh nghiệp tại Hà Nội cân nhắc trong chiến lược dài hạn, ngay cả trong bối cảnh thị trường thận trọng do những bất ổn toàn cầu.

Diện tích hấp thụ văn phòng tại Hà Nội trong 6 tháng đầu năm đã ghi nhận kết quả tích cực. Ảnh: Internet.
Theo số liệu từ CBRE Việt Nam, nguồn cung trên thị trường văn phòng Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận thêm 1 dự án hạng B (dự án Thaisquare Caliria) tại Ba Đình – Đống Đa.
Dự án này cung cấp cho thị trường hơn 8.400 m2 NLA (diện tích thực tế mà khách thuê có thể sử dụng), nâng tổng diện tích văn phòng cho thuê lên 1,86 triệu m2 NLA.
Diện tích hấp thụ văn phòng tại Hà Nội trong 6 tháng đầu năm đã ghi nhận kết quả tích cực với hơn 45.000 m2, chủ yếu từ các giao dịch đã được thương thảo từ trước.
Dự kiến nửa cuối năm, thị trường sẽ chào đón thêm 2 dự án văn phòng mới tập trung tại khu vực Ba Đình – Đống Đa và khu phía Tây, tăng thêm gần 48.000 m2, tạo ra động lực tích cực cho sự phát triển của thị trường.
Giá thuê hai phân hạng tăng nhẹ khi một số tòa văn phòng tại khu Ba Đình – Đống Đa ghi nhận tỷ lệ lấp đầy tốt.
Cụ thể, giá thuê trung bình phân khúc hạng A đạt 30,0 USD/m2/tháng, tăng 1,0% theo quý và 2,6% theo năm. Tương tự, giá thuê trung bình phân khúc hạng B đạt 15,0 USD/m2/tháng, tăng 0,2% so với quý trước và 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vào quý 2, thị trường không có nguồn cung văn phòng hạng A mới, tỷ lệ trống trung bình của phân khúc hạng A giảm 2,2 điểm phần trăm so với quý trước, tuy nhiên vẫn tăng 0,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 19,9%.
Tỷ lệ trống của các dự án hạng B đạt 15,0%, giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm theo quý và giảm 2,8 điểm phần trăm theo năm. Tuy nhiên, theo dự kiến khi các dự mới hoàn thành trong nửa cuối năm 2025, tỷ lệ trống của hai phân hạng có thể sẽ chịu áp lực tăng.
Về nguồn cầu, theo ghi nhận bởi CBRE, tại Hà Nội trong 6 tháng đầu năm giao dịch với mục đích chuyển địa điểm tới các tòa nhà mới chất lượng cao chiếm ưu thế, đạt 65% tổng diện tích giao dịch.
Điều này cho thấy việc nâng cấp chất lượng văn phòng vẫn là yếu tố được các doanh nghiệp tại Hà Nội cân nhắc trong chiến lược dài hạn, ngay cả trong bối cảnh thị trường thận trọng do những bất ổn toàn cầu.
Từ góc độ ngành nghề, hai lĩnh vực tài chính/ngân hàng/bảo hiểm và công nghệ thông tin tiếp tục dẫn dắt nhu cầu thuê văn phòng, chiếm tương ứng 40% và 28% tổng diện tích giao dịch trong nửa đầu năm tại Hà Nội.
Diễn biến trên thị trường cho thấy, trong thời kỳ hậu đại dịch, sự thay đổi trong xu hướng làm việc và nhu cầu ngày càng cao về trải nghiệm làm việc của khách thuê đã thúc đẩy các chủ đầu tư nâng cấp chất lượng văn phòng.
Tại Hà Nội, các dự án văn phòng mới đã tích hợp ba yếu tố cốt lõi của văn phòng thế hệ mới: kiến trúc thông minh, bền vững; tiện ích chăm sóc sức khỏe con người; và khả năng kết nối thuận tiện với giao thông công cộng, tuyến metro cũng như các tiện ích xung quanh, từ đó hình thành một hệ sinh thái văn phòng hoàn chỉnh.
Việc tập trung vào trải nghiệm khách thuê không chỉ giúp chủ tòa nhà thu hút và giữ chân khách thuê hiệu quả hơn, mà còn tăng cường lợi thế cạnh tranh và nâng cao giá trị tài sản.
Theo Savills Việt Nam, trong 5 năm qua, khái niệm văn phòng đã thay đổi đáng kể, nhằm đáp ứng những kỳ vọng mới của khách thuê văn phòng trong bối cảnh biến động.
Để đáp ứng nhu cầu của thế hệ lao mới, đặc biệt là người trẻ, các doanh nghiệp hiện đang tìm kiếm những không gian cao cấp, được thiết kế chỉn chu, thu hút và giữ chân nhân tài cũng như nâng cao hiệu suất làm việc.
Liên quan đến những thay đổi trong nhu cầu trong thuê văn phòng, theo báo cáo Savills Impacts 2025, thị trường văn phòng toàn cầu đã ghi nhận 5 xu hướng chính đã và đang định hình yêu cầu về không gian văn phòng của khách thuê, đặc biệt các xu hướng này sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường trong tương lai.
Một là, khách thuê ngày càng chú trọng đến chiến lược xây dựng môi trường làm việc thúc đẩy sức khỏe thể chất và tinh thần, nhằm gia tăng năng suất và giữ chân nhân viên.
Hai là, khách thuê đặt kỳ vọng cao vào các công trình có chứng nhận về hiệu quả năng lượng và phát triển bền vững.
Ba là, mối quan hệ chủ nhà – khách thuê đang thay đổi. Chủ đầu tư ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn với khách thuê để tối ưu hóa không gian và chất lượng môi trường làm việc.
Bốn là, xu hướng chuyển dịch sang văn phòng cao cấp và mang cá tính riêng. Doanh nghiệp tìm kiếm các văn phòng cao cấp, nhiều tiện ích, và mang tính thẩm mỹ hoặc dấu ấn riêng nhằm mang lại trải nghiệm làm việc chất lượng cao cho nhân viên.
Năm là, sự phát triển của mô hình làm việc kết hợp (hybrid working). Các doanh nghiệp điều chỉnh chính sách làm việc linh hoạt để phù hợp với nhu cầu khác nhau giữa các khu vực và thế hệ lao động khác nhau.
Những cách làm mới đang dần hình thành, giúp doanh nghiệp tận dụng lợi ích của mô hình làm việc kết hợp, đồng thời.
Theo Savills, thị trường văn phòng tại Hà Nội đang bước vào chu kỳ chuyển biến quan trọng với sự gia tăng nguồn cung chất lượng cao và thay đổi trong nhu cầu sử dụng không gian.
Trong bối cảnh đó, khách thuê, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nhóm ngành giá trị cao, đang ở vị thế thuận lợi hơn để thương lượng, nâng cấp môi trường làm việc và tối ưu hóa chiến lược vận hành.