Phân làn đường Nguyễn Trãi: Cần quyết liệt xử phạt để người dân thay đổi thói quen
Chỉ tính từ năm 2003 đến nay, Hà Nội đã có ít nhất 4 lần thất bại trong việc phân làn xe máy với ô tô tiêu tốn hàng chục tỷ đồng. Đáng chú ý, từ ngày 6/8/2022, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi, song, sau khoảng 8 tháng phân làn các phương tiện vẫn di chuyển theo kiểu 'điền vào chỗ trống'.
Cần nhìn lại 4 lần thất bại trước khi phân làn để quyết liệt hơn
Trong quá khứ, Hà Nội từng có ít nhất 4 lần tổ chức phân làn ô tô, xe máy: Năm 2003 trên tuyến Kim Mã, năm 2006 trên tuyến Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt, năm 2009 trên tuyến Giải Phóng, năm 2011 trên một loạt tuyến phố (Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt, Xã Ðàn, Giải Phóng, Phố Huế, Bà Triệu, Nguyễn Trãi,…). Kết quả sau đó đều thất bại, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng.
Còn nhớ, trong buổi họp giao ban giữa các lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày 14/10/2011, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội báo cáo kết quả phân làn tách dòng phương tiện trên 5 tuyến phố: Phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Giải Phóng, Xã Đàn, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt cho biết, sau hơn ba tuần phân làn, tách dòng phương tiện, bước đầu giảm thiểu các xung đột giao thông trên tuyến, tăng khả năng thông hành của các phương tiện lưu thông trong khu vực, giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã gặp không ít khó khăn và hạn chế cần phải khắc phục.
Cũng theo ông Hùng, nguyên nhân do những tuyến đường này có lưu lượng phương tiện lưu thông lớn, thường xuyên có nguy cơ ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Khoảng cách giữa các nút giao thông ngắn, mặt cắt trên toàn tuyến không đồng bộ (như tuyến Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Đại Cồ Việt).
Đặc biệt, trong 5 tuyến phố vừa phân làn có tới bốn tuyến không có làn đường dành riêng cho xe buýt. Bởi vậy, khi xe ra vào đón trả khách gây ảnh hưởng tới khả năng lưu thông với các phương tiện còn lại. Cùng đó, số lượng cơ quan, trường học, cửa hàng, nhà dân… hai bên đường lớn. Vì vậy, các phương tiện có nhu cầu nhập, tách làn rất lớn.
Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn thừa nhận, thời điểm này việc tách làn giao thông gặp nhiều khó khăn là do chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở ngành liên qua và các bên cũng chưa triệt để thực hiện các giải pháp đặt ra.
Dù 4 lần phân là thất bại, ngày 6/8/2022 Sở GTVT Hà Nội đã thí điểm tổ chức lại giao thông trên đường Nguyễn Trãi. Theo đó, Sở GTVT Hà Nội đã tách làn riêng cho ô tô, xe máy, dài khoảng 1,5 km. Tuy nhiên, về mục đích, khác với những lần trước là tạo thói quen di chuyển đúng làn cho các phương tiện, đặc biệt là xe máy, thì lần này, việc phân làn trên đường Nguyễn Trãi còn khá mơ hồ. Không rõ việc phân làn trên đường Nguyễn Trãi chỉ để cải thiện rõ nét chất lượng hệ thống giao thông công cộng, hay chỉ để giảm ùn tắc, đảm bảo trật tự giao thông nói chung.
Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết Online, sau khoảng 8 tháng thí điểm, tại các điểm đầu cuối dải phân cách có biển báo phân làn bắt buộc nhưng hầu như các phương tiện vẫn di chuyển theo kiểu đi vào chỗ trống khiến tuyến đường này lúc nào cũng trở nên lộn xộn. Mặt khác, nhiều ô tô, xe máy… ra vào giữa các làn đường không tuân theo biển báo, chưa kể nhiều ô tô ngang nhiên dừng đỗ bất chấp biển cấm vẫn phổ biến gây mất ATGT.
Điều đáng nói, kết quả ban đầu giống hầu hết các lần phân làn trước đó, bởi khi mới triển khai, dưới sự hướng dẫn, cưỡng ép của lực lượng chức năng, người tham gia giao thông ở Hà Nội chấp hành khá tốt. Nhưng cứ hễ vắng bóng lực lượng chức năng thì việc đi lại của người dân lại đâu vào đấy.
Cần quyết liệt xử lý vi phạm để hình thành thói quen mới
Anh Nguyễn Văn Toàn trú tại Hà Đông, thường xuyên di chuyển trên tuyến đường Nguyễn Trãi chia sẻ, việc phân làn tách dòng phương tiện trên đường Nguyễn Trãi là điều cần thiết. Tuy nhiên, tại tuyến đường này có lưu lượng giao thông lớn, nhiều ngõ ngách nên thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Vì vậy, cứ hễ tắc là người dân lại di chuyển theo kiểu lộn xộn dù đã có biển chỉ dẫn.
“Tôi nghĩ, nếu muốn tuyến đường này trở nên ngăn nắp và phân làn hiệu quả thì lực lượng chức năng cũng cần phải mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm. Từ đó, việc phân làn trên đường Nguyễn Trãi mới có thể giải quyết được. Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan cũng cần mạnh tay xử lý các xe dừng đỗ vô tội vạ ở làn đường dành cho xe máy, xe buýt… Để từ đó, người dân thay đổi thói quen di chuyển”, anh Toàn phân tích.
Tương tự, chị Thanh Hà trú tại Thanh Xuân, Hà Nội cho hay, nhiều khi đi làm chị cảm thấy rất khó chịu khi làn dành cho xe máy, xe buýt… bị các ô tô dừng đỗ gây ùn tắc nên buộc phải di chuyển sang làn dành cho ô tô.
“Nhiều lúc di chuyển vào làn xe máy tôi rất sợ, khi làn thì bé mà xe buýt thì liên tục tấp vào lề để đón khách nếu không để í thì rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Đặc biệt, không chỉ 1 chiếc mà có khi 3-4 chiếc xe buýt rồng rắn di chuyển thì người đi xe máy làm gì còn chỗ. Trong khi, lưu lượng xe máy thì rất đông. Bởi vậy, người dân thay vì đi đúng làn thì buộc phải di chuyển sai làn để việc lưu thông trên tuyến đường này được thuận lợi hơn”, chị Hà cho biết.
Có thể thấy, dù phương án thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi được dư luận ủng hộ, tuy nhiên sau một thời gian thí điểm, việc triển khai vẫn thiếu quyết liệt, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn.
Theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, việc phân làn trên đường Nguyễn Trãi đã trải qua 8 tháng, thời gian thí điểm cũng không phải ngắn cũng không phải dài để thấy rõ được hiệu quả. Tuy nhiên, hiện việc xe máy đi vào làn ô tô và ngược lại thì vẫn diễn ra nên lực lượng chức năng cần hướng dẫn, thậm chí phát hiện vi phạm để xử phạt.
“Bởi muốn hình thành một thói quen tốt, kỷ luật tốt thì việc xử lý vi phạm là rất cần thiết. Nếu chỉ hướng dẫn thời gian đầu sau đó thì bỏ mặc thì người dân không có thói quen tuân theo”, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình nhấn mạnh.
Ông Bình lấy ví dụ, chúng ta cứ luôn nói rằng đi sang Singapore sạch sẽ lắm, hút điếu thuốc bị phạt mấy trăm USD nên người dân rất tuân thủ. Có thể thấy rằng, họ làm được như vậy thì đất nước mới luôn duy trì được sự sạch sẽ. “Chúng ta cũng thường tự hào rằng dân tộc Việt Nam không hề thua kém hơn bất cứ dân tộc khác nào cả. Nhưng tại sao chúng ta không làm được điều đó. Không phạt thì làm sao có thể hình thành được ý thức chấp hành của người dân. Đặc biệt, đây lại là tuyến đường huyết mạch muốn xe máy tuân thủ thì chúng ta phải đảm bảo làn đường dành cho phương tiện này luôn thông thoáng, đặc biệt không được phép có ô tô nào dừng đỗ. Cho nên rất cần lực lượng chức năng xử phạt mạnh tay để các vi phạm đấy không tái diễn nữa. Mặt khác, chúng ta không thể khua chiêng múa trống trong vài tháng đầu thì việc phân làn rất khó để thành công được”, Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình nói.
Có thể thấy rằng, việc phân làn là nhằm tạo lập ý thức cho người tham gia giao thông thì thiết nghĩ, việc làm này cần phải được triển khai đồng bộ. Các đơn vị có liên quan cần lắng nghe những phản ánh của người dân để thay đổi phương án phân làn tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện được lưu thông dễ dàng hơn. Cùng đó, phải duy trì việc xử phạt thường xuyên, thậm chí phạt nặng những hành vi cố tình vi phạm để răn đe những người vi phạm mới mong giữ vững kết quả.