Phần Lan sẽ chôn rác thải hạt nhân vào mộ địa chất tồn tại được 100.000 năm
Phần Lan dự kiến chôn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trong ngôi mộ địa chất đầu tiên trên thế giới có thể tồn tại tới 100.000 năm.
Kênh CNBC (Mỹ) đánh giá dự án tiên phong này được ca ngợi vừa là bước ngoặt cho tính bền vững lâu dài của năng lượng hạt nhân vừa là "tấm gương cho toàn thế giới". Dự kiến trong năm tới hoặc đầu năm 2026, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng có độ phóng xạ cao sẽ được cho vào các hộp kín nước bằng đồng, sau đó đưa vào tầng đá gốc sâu hơn 400 mét bên dưới các khu rừng ở phía Tây Nam Phần Lan.
Các hộp đựng rác thải hạt nhân này sẽ được cô lập, tách biệt khỏi con người và giữ dưới lòng đất trong hàng ngàn năm. Mộ địa chất có tên Onkalo này nằm gần ba lò phản ứng hạt nhân trên đảo Olkiluoto, cách thủ đô Helsinki của Phần Lan khoảng 240 km.
Ông Pasi Tuohimaa phụ trách truyền thông của Posiva, công ty chịu trách nhiệm xử lý các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, chia sẻ: “Về cơ bản, đối với dự án Onkalo, chúng tôi đang xây dựng cơ sở đóng gói và xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng. Và nó không phải tạm thời, mà là mãi mãi”.
Dự án Onkalo dựa trên phương pháp “KBS-3” với nguyên tắc nhiều rào chắn. Trong đó, một số rào chắn được thiết kế nhằm đảm bảo an toàn lâu dài cho nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Trên thực tế, điều này có nghĩa là ngay cả khi một trong những rào chắn bị hỏng, thì việc cô lập chất thải hạt nhân sẽ không bị ảnh hưởng.
Ông Tuohimaa cho biết cơ sở xử lý địa chất này đã nhận được rất nhiều quan tâm từ những người trong ngành. Ông chia sẻ: "Việc có một giải pháp xử lý cuối cùng cho nhiên liệu đã qua sử dụng giống như phần còn thiếu trong vòng đời bền vững cho năng lượng hạt nhân".
Giáo sư Gareth Law tại Đại học Helsinki mô tả dự án Onkalo là cột mốc lớn đối với Phần Lan và ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân thế giới.
Theo Hiệp hội hạt nhân thế giới, năng lượng hạt nhân hiện cung cấp khoảng 9% lượng điện trên toàn cầu. Vì có hàm lượng carbon thấp, nhiều ý kiến cho rằng năng lượng hạt nhân có tiềm năng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia tạo năng lượng đồng thời cắt giảm khí thải và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, một số nhóm bảo vệ môi trường cho rằng ngành công nghiệp hạt nhân tốn kém, có hại trong khi vẫn còn các giải pháp thay thế rẻ hơn và sạch hơn.