Phần Lan sẽ gia hạn biện pháp phong tỏa biên giới với Nga

Phần Lan sẽ tiếp tục gia hạn biện pháp đóng cửa biên giới với Nga, vốn dự kiến chấm dứt vào ngày 15/1 tới.

Các phương tiện xếp hàng tại cửa khẩu biên giới Nuijamaa giữa Phần Lan và Nga, tại Lappeenranta, Phần Lan, ngày 17/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Các phương tiện xếp hàng tại cửa khẩu biên giới Nuijamaa giữa Phần Lan và Nga, tại Lappeenranta, Phần Lan, ngày 17/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, khi được hỏi trên đài truyền hình quốc gia YLE ngày 10/1 về việc liệu biện giới có tiếp tục đóng cửa thêm một tháng nữa, Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan Sari Essayah cho biết: “Biên giới sẽ vẫn đóng cửa”.

Trước đó, trong ngày 9/1, truyền thông Ba Lan đưa tin chính phủ nước này sẽ gia hạn biện pháp trên.

Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga, ghi nhận gần 1.000 người nhập cư bất hợp pháp qua các cửa khẩu phía Đông kể từ tháng 8/2023. Riêng trong tháng 11/2023, trên 600 người di cư đã đến biên giới Phần Lan.

Theo cơ quan di trú, người di cư đến từ các nước bao gồm Yemen, Afghanistan, Kenya, Maroc, Pakistan, Somalia và Syria. Chính quyền Phần Lan dự kiến số người di cư đến nước này sẽ tiếp tục tăng. Để ngăn dòng người di cư, tháng 11, Phần Lan đã đóng cửa toàn bộ 8 trạm kiểm soát biên giới với Nga với lý do ngăn chặn dòng người tị nạn và di cư bất hợp pháp.

Ngày 12/12/2023, Helsinki thông báo mở lại 2 cửa khẩu Vaalimaa và Niirala nhưng đảo ngược quyết định này chỉ 2 ngày sau đó. Trong một thông báo ngày 14/12, Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Mari Rantanen cho biết, sau khi nước này mở 2 cửa khẩu, dòng người tị nạn có dấu hiệu tăng trở lại và vấn đề này đặt ra thách thức cho an ninh quốc gia.

Về phần mình, chính phủ Nga phản đối việc Phần Lan quyết định đóng cửa biên giới với nước này. Theo hãng thông tấn TASS, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho rằng Phần Lan đã hành động đơn phương khi đóng các cửa khẩu biên giới với Nga. Moskva cũng đã gửi công hàm phản đối tới đại sứ Phần Lan về việc đóng cửa các trạm kiểm soát, cho rằng Helsinki đã vi phạm quyền và lợi ích của người Phần Lan cũng như người Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) trao văn kiện gia nhập NATO cho Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái) tại buổi lễ ở Brussels, Bỉ ngày 4/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) trao văn kiện gia nhập NATO cho Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái) tại buổi lễ ở Brussels, Bỉ ngày 4/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Căng thẳng giữa hai nước láng giềng leo thang khi hồi tháng 4, Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của liên minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chấm dứt hàng chục năm duy trì chính sách không liên kết quân sự. Sau khi được kết nạp vào NATO, biên giới Phần Lan đã trở thành biên giới chung của NATO, giúp tăng gấp đôi phần biên giới của các nước NATO với Nga.

Mới đây nhất, Phần Lan đã đạt một hiệp ước hợp tác quốc phòng với Mỹ, cho phép Washington quyền tiếp cận 15 căn cứ quân sự của nước này. Động thái này càng khiến cho quan hệ Phần Lan-Nga trở nên xấu đi trong bối cảnh các quan chức Nga đã nhiều lần nêu lên quan ngại về việc liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu tăng cường quân sự ở châu Âu. Điện Kremlin nhấn mạnh rằng Nga "không gây ra mối đe dọa nào cho bất kỳ ai, nhưng sẽ không bỏ qua những hành động có khả năng gây tổn hại đến lợi ích của mình".

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters/Tass)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/phan-lan-se-gia-han-bien-phap-phong-toa-bien-gioi-voi-nga-20240111145114398.htm