Phân loại các nhóm người lang thang ăn xin để có biện pháp quản lý

Theo Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an TP Hồ Chí Minh, kể từ khi triển khai Quyết định 812 của UBND thành phố về cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn, Công an thành phố đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, tuần tra, phối hợp 55.566 lượt.

Qua đó, phát hiện và ghi nhận hơn 4.300 trường hợp thuộc diện trẻ em, người lang thang xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác; đã giao 570 trường hợp (409 nam, 161 nữ) về cho gia đình, địa phương quản lý (do xác định rõ nơi cư trú hiện tại); lập hồ sơ hơn 2.500 trường hợp để đưa vào các trung tâm, cơ sở cai nghiện… và chưa ghi nhận, xử lý trường hợp nào là đối tượng chăn dắt.

Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp giải quyết các trường hợp trẻ em, người lang thang, người sinh sống nơi công cộng…

Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp giải quyết các trường hợp trẻ em, người lang thang, người sinh sống nơi công cộng…

Những số liệu trên được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định 812 do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2/8.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tình trạng người lang thang xin ăn vẫn còn nhiều, xuất hiện nhiều nhất vào các dịp lễ, Tết, tại các khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện, TP Thủ Đức hay gần các cơ sở tôn giáo, bến xe, cơ sở kinh doanh xăng dầu, chợ truyền thống.

Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH thành phố cho biết, hiện Sở có 16 cơ sở trợ giúp xã hội với các hoạt động tiếp nhận, sàng lọc, tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi cũng như chăm sóc và nuôi dưỡng người lang thang, xin ăn.

Riêng lĩnh vực y tế, điều trị, Sở Y tế thành phố cũng tiếp nhận và điều trị cho người lang thang, xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định. Đồng thời chỉ đạo các trung tâm cấp cứu, bệnh viện, cơ sở y tế tiếp nhận, điều trị cho người có sức khỏe yếu, suy kiệt, nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm do các đơn vị, tổ công tác chuyển đến.

Đáng chú ý, trong 2.353 người được các tổ công tác lập hồ sơ đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, ngoài trẻ em, người già, người khuyết tật, tâm thần hoặc các trường hợp cần trợ giúp khẩn cấp khác, có tới 45% thuộc độ tuổi lao động (16 - 60 tuổi).

Theo nhận định của ông Nguyễn Tăng Minh, do tình hình kinh tế khó khăn chung, nhiều người chưa có công ăn việc làm ổn định hoặc lâm vào hoàn cảnh khó khăn tại nhiều địa phương đã di cư vào TP Hồ Chí Minh xin ăn kiếm sống qua ngày. Điều này tạo áp lực cho thành phố trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn, đặc biệt dịp lễ, Tết. Bên cạnh đó, số người có hành vi quá khích, nghi vấn tâm thần gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội có xu hướng tăng.

Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng lang thang xin ăn chọn cách giả dạng bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su... khiến lực lượng chức năng rất khó xử lý. Các đối tượng lang thang xin ăn thường hoạt động ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ cuối tuần, giờ nghỉ trưa và di chuyển lưu động giữa các địa bàn. Do đó, các tổ công tác gặp một số khó khăn trong công tác quản lý, tập trung đối tượng.

Vì thế, Sở LĐTB-XH thành phố đề xuất thành phố nên giao Công an thành phố chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra phối hợp; rà soát, lập danh sách và tập trung điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng liên quan đến tổ chức chăn dắt trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật đi xin ăn để đưa ra truy tố trước pháp luật nhằm răn đe, ngăn chặn, giáo dục những vụ việc tương tự.

Cùng với đó, chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ địa bàn; chủ động rà soát các khu dân cư tập trung nhiều người tạm trú và phối hợp chặt chẽ Công an thành phố nhằm phát hiện, ngăn chăn kịp thời các đối tượng chăn dắt, lợi dụng người yếu thế.

Theo Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Công an thành phố cũng phối hợp với Sở LĐTB-XH, Sở Ngoại vụ cùng các đơn vị liên quan lập hồ sơ đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội 220 trường hợp người lang thang, xin ăn có quốc tịch nước ngoài trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để xác minh, bàn giao cho nước sở tại theo quy định.

Bên cạnh đó, Công an thành phố còn phối hợp với cơ quan chức năng các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Dương… cấp căn cước công dân/căn cước gắn chip, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho hơn 1.500 trường hợp. Tiếp nhận hơn 300 trường hợp thuộc diện không có giấy tờ tùy thân, bàn giao cho Công an cấp xã để tiếp tục xử lý theo quy định.

Trước đó, Công an thành phố đã mở cao điểm phối hợp giải quyết, xử lý các trường hợp tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn thành phố. Qua hơn 1 tháng triển khai, đến nay, đợt cao điểm này đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, góp phần giúp đảm bảo an ninh trật tự và mỹ quan đô thị thành phố, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về cư trú trong tình hình mới.

Phú Lữ

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/phan-loai-cac-nhom-nguoi-lang-thang-an-xin-de-co-bien-phap-quan-ly-i739556/