Phân loại rác tại nguồn: Hình thành một nếp sống mới
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, người dân có thể bị phạt và từ chối thu gom nếu không tự phân loại rác tại nguồn. Trước thực trạng việc phân loại rác tại nguồn lâu nay vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, quy định trên phản ánh quyết tâm của Chính phủ trong việc hình thành nếp sống mới trong việc xử lý rác thải.
Người dân đem rác đã được phân loại tại nhà tới các điểm thu gom đổi quà tặng. Ảnh: Nguyễn Linh
Chưa hình thành thói quen
Theo một báo cáo năm 2020 của Sở Xây dựng Hà Nội, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Thành phố ước khoảng 7.000 tấn/ngày đêm, và theo báo cáo năm 2019 của Ban Đô thị UBND thành phố Hà Nội, hai bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn sẽ bị quá tải nếu Hà Nội không có giải pháp công nghệ thay thế. Trước thực trạng trên, các chuyên gia về môi trường cho rằng, việc phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần tiết kiệm tài nguyên, mang lại nhiều lợi ích từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến. Không những thế, nó còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác.
Ý nghĩa lớn lao là vậy, tuy nhiên, hiện nhiều người vẫn khá thờ ơ với các hoạt động phân loại rác tại nguồn. Trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có quy định người dân có thể bị phạt và từ chối thu gom nếu không tự phân loại rác tại nguồn, điều đó phần nào phản ánh một thực tế là hoạt động phân loại rác tại nguồn hiện vẫn chưa trở thành thói quen của người dân.
Trên thực tế, khái niệm phân loại rác tại nguồn không hề mới mẻ. Hơn 10 năm trước, dự án phân loại rác thải tại nguồn, gọi tắt là 3R, được triển khai thí điểm tại một số phường trên địa bàn Hà Nội bằng nguồn tài trợ của chính phủ Nhật Bản, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, dự án này bị tạm dừng. Nguyên nhân là chúng ta chưa có sự chuẩn bị chu đáo; quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và rác hữu cơ, trong đó một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh. Tuy nhiên, đầu ra cho phân bón vi sinh thiếu ổn định, sản phẩm rất khó tiêu thụ trên thị trường và không có đơn vị bao tiêu sản phẩm...
Nhìn chung, người dân trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong những nơi đầu tiên thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn ở Hà Nội, nhưng đến nay, mô hình này chỉ còn lại “tàn dư”. Hai loại thùng rác màu xanh (đựng rác vô cơ) và thùng màu vàng (đựng rác hữu cơ) vẫn còn đó, nhưng người sử dụng bỏ rác vào đó một cách tùy ý, lẫn lộn.
Chị Nguyễn Phương Liên (tổ dân phố số 7, phường Phan Chu Trinh) cho biết: “Khi dự án 3R được triển khai tại phường, tất cả người dân trong tổ dân phố đều hào hứng tham gia, có cả đội ngũ đứng hướng dẫn bà con phân loại và vứt rác đúng nơi quy định. Mỗi gia đình được hỗ trợ 2 thùng rác, một màu xanh, một màu vàng để phân loại rác ngay tại nhà. Việc phân loại này đã cho thấy hiệu quả rõ ràng, từ nhà ra ngõ đều rất sạch sẽ. Một thời gian sau thì dự án kết thúc, và cũng từ đó, không còn hộ gia đình nào duy trì việc phân loại rác nữa vì có phân loại thì công nhân thu gom lại đổ lẫn các loại rác với nhau” ...
Nỗ lực xây dựng nếp sống mới
Tuy nhiên, không vì những hạn chế nói trên mà các chiến dịch tuyên truyền, các dự án hoạt động phân loại rác tại nguồn dừng lại. Nhận thấy lợi ích thiết thực của hoạt động phân loại rác tại nguồn, sau khi Đề án phân loại rác thải tại nguồn do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ tạm dừng từ năm 2009, nhiều đơn vị, cơ quan, tổ chức trên địa bàn Hà Nội đã nối tiếp ý tưởng, kêu gọi người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn nhằm hạn chế tối đa lượng rác thải ra môi trường. Tiêu biểu như phong trào phân loại rác của người dân thuộc xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn); mô hình phân loại rác từ các căn hộ và tái chế bằng máy xử lý rác hữu cơ tại chỗ (thực hiện từ tháng 10-2019) tại tòa nhà Ecolife Tây Hồ (quận Tây Hồ)...
Chị Khuất Thị Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Liên Xuân, xã Nam Sơn cho biết: “Thôn Liên Xuân triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn khá lâu rồi và tính đến thời điểm hiện tại, mỗi nhà đều có 2 thùng đựng rác thải hưu cơ và vô cơ. Sau khi phân loại, đối với rác hữu cơ, chúng tôi phổ biến cho bà con cách ủ phân vi sinh để bón cây; với rác vô cơ, hằng tuần vào thứ năm và thứ hai chúng tôi có tổ thu gom đi gom từ các thùng rác vô cơ để trước cửa các hộ gia đình, sau đó đưa lên xe của Công ty cổ phần Môi trường đô thị huyện Sóc Sơn chở về nơi tập kết để xử lý. Hiệu quả rất rõ ràng: Môi trường thôn sạch hơn, rác thải sinh hoạt không còn bị vứt bừa bãi như trước nữa, đặc biệt là ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường cũng ngày một nâng cao”.
Không chỉ dừng lại ở các phong trào từ phường, xã, khu dân cư, gần đây Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đã hợp tác với Công ty Unilever triển khai hoạt động “Đổi rác thải tái chế lấy quà tặng”, thực hiện đồng loạt tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình. Theo đó, người dân có thể mang giấy, bìa, vỏ lon, chai nhựa, kim loại... đến các điểm thu gom rác để đổi lấy xà phòng, dầu gội, sữa tắm...
Bên cạnh đó, URENCO còn thực hiện giải pháp thu gom thông minh bằng hình thức mua bán, cho tặng hoặc tích điểm và đổi quà, tùy thuộc vào nhu cầu của người dân qua app di động mGreen. Ngoài hỗ trợ người dùng là những hộ gia đình, doanh nghiệp, app di động mGreen còn giúp kết nối và tạo động lực cho cả những người thu gom đồng nát... Bà Nguyễn Thị Thùy Ninh, Phó Trưởng phòng Kinh doanh và Truyền thông của URENCO cho biết: “Qua hoạt động đổi rác tái chế lấy quà, chúng tôi mong muốn chuyển tải đến người dân thông điệp: Rác chưa phân loại chỉ là rác; rác phân loại rồi thì là tài nguyên, có giá trị như những mặt hàng tiêu dùng”.
Tuy nhiên, muốn việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện thường xuyên, lâu dài và phát huy tác dụng thực sự, điều quan trọng vẫn là nâng cao ý thức của người dân, để người dân ý thức được đó là trách nhiệm, quyền lợi của họ mà tự giác thực hiện. Tiếp đó, cần nhận thức việc phân loại rác tại nguồn chỉ là khâu đầu tiên, còn rất nhiều khâu tiếp theo cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và khoa học, như việc thu gom rác thải của công nhân vệ sinh môi trường, xử lý từng loại rác đã phân chia tại nguồn một cách phù hợp, hữu ích. Chỉ như vậy, việc phân rác tại nguồn mới thực sự phát huy tác dụng, góp phần giải bài toán về rác thải sinh hoạt đô thị.