Phân loại rác tại nguồn ở Bình Dương còn lắm gian nan

VOV.VN- Từ đầu năm 2025, việc phân loại rác tại nguồn sẽ trở thành quy định bắt buộc theo Luật Bảo vệ môi trường 2020. Nếu không thực hiện, người dân có thể bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng. Tại tỉnh Bình Dương, việc phân loại rác tại nguồn hiện đang được các địa phương quyết tâm thực hiện để xây dựng một môi trường sống xanh - sạch - đẹp.

Hành trình còn nhiều gian nan

Là một tỉnh công nghiệp với dân số đông đúc, Bình Dương đang nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường bằng việc triển khai dự án phân loại rác tại nguồn.

Từ năm 2017, dự án đã được thí điểm tại các khu vực đông dân cư 4 thành phố lớn của tỉnh là Thủ Dầu Một, Bến Cát, Thuận An, Dĩ An và các nhà hàng, siêu thị lớn.

Để nâng cao nhận thức của người dân, nhiều hoạt động tuyên truyền đã được tổ chức. Nhờ đó, một bộ phận người dân đã tích cực tham gia phân loại rác, góp phần giảm thiểu lượng rác thải đưa ra môi trường.

HĐND tỉnh Bình Dương khảo sát việc phân loại rác ở các trường học tại TP.Dĩ An

HĐND tỉnh Bình Dương khảo sát việc phân loại rác ở các trường học tại TP.Dĩ An

Bà Nguyễn Thị Khánh Dung, người dân ở phường Dĩ An, TP.Dĩ An cho biết, ban đầu, gia đình bà cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phân loại rác. Nhưng nhờ kiên trì, gia đình đã hình thành thói quen và thấy được nhiều lợi ích.

"Phải khẳng định rằng phân loại rác tại nguồn đem lại những mặt thiết thực. Hiện tại rác hữu cơ được gia đình tôi tách ra ủ làm phân xanh, rác vô cơ phân loại để các đơn vị dễ dàng, thuận tiện xử lí. Tôi hy vọng sắp tới, việc phân loại rác cần được hướng dẫn cụ thể cho từng hộ dân để nguồn rác được xử lí triệt để", bà Dung nói thêm.

Tuy nhiên theo ghi nhận, quá trình triển khai việc phân loại rác ở Bình Dương vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi thiếu quy trình thu gom chuyên nghiệp. Nhiều hộ dân phản ánh rằng, rác đã được phân loại cẩn thận nhưng khi xe rác đến thu gom lại trộn lẫn tất cả vào một thùng, khiến công sức của họ trở nên vô nghĩa.

Người dân còn thắc mắc tại sao khi đã phân loại thì xe gom rác lại đổ chung

Người dân còn thắc mắc tại sao khi đã phân loại thì xe gom rác lại đổ chung

Bà Thân Thị Nguyệt, Bí thư Chi bộ khu phố 5, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một cho rằng, người dân đã rất cố gắng phân loại rác, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của hệ thống thu gom chuyên nghiệp thì khó để việc phân loại rác trở thành thói quen của các gia đình. Cũng vì vậy, nhiều người không còn mặn mà với việc phân loại rác.

"Người ta đã phân loại tại nhà mà xe lấy rác dồn hết lên 1 xe thì không hiệu quả. Người dân còn thấy khó khăn, thắc mắc về vấn đề này. Do đó, nói phải đi đôi với làm, rác đã được phân loại thì xe thứ nhất đi qua lấy một loại, xe sau lấy một loại cùng luân chuyển như vậy mới có hiệu quả, thiết thực hơn”, bà Nguyệt đề xuất.

Bên cạnh đó, nhiều người dân còn bỡ ngỡ với việc phân loại rác tại nguồn. Tại nhiều khu dân cư, khu chung cư, người dân vẫn quen với việc gom tất cả rác vào một túi và đổ chung vào thùng rác.

Phải coi rác là tài nguyên

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, rác sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 nhóm chính: rác tái chế, rác hữu cơ và rác vô cơ. Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn sẽ trở thành bắt buộc từ ngày 31/12/2024.

Bình Dương đang đẩy mạnh các giải pháp để tất cả người dân cùng thực hiện theo luật này. Cụ thể, tỉnh đang kiện toàn hệ thống thu gom vận chuyển, xử lý đảm bảo theo quy định cũng như xây dựng đào tạo đội ngũ thu gom đáp ứng theo yêu cầu; kiện toàn mạng lưới tần suất thu gom; đưa vào sử dụng các điểm tập kết đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; xây dựng đơn giá dịch vụ thu gom vận chuyển xử lý theo quy định của luật mới; nghiên cứu đưa ra hình thức bao bì phù hợp, thống nhất để áp dụng toàn tỉnh.

Người dân Thủ Dầu Một được tuyên truyền về lợi ích phân loại rác tại nguồn

Người dân Thủ Dầu Một được tuyên truyền về lợi ích phân loại rác tại nguồn

Ông Võ Trọng Tài, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho rằng, để người dân thay đổi thói quen và tích cực tham gia phân loại rác, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền và cần có các chính sách hỗ trợ cho người dân trong quá trình thực hiện.

"Đầu tiên, người dân đầu tư sẽ rất tốn kém nên tôi đề nghị tỉnh, các sở ngành cần có chính sách quan tâm, hỗ trợ bước đầu cho người dân để họ thực hiện phân loại rác tại nguồn tốt hơn. Bên cạnh đó, cần có những chế tài xử phạt, khi không phân loại rác thì không thu gom, từ đó các hộ dân sẽ thực hiện nghiêm việc phân loại rác”, ông Tài nói.

Trước bức xúc của người dân về việc xe thu gom trộn lẫn rác đã phân loại, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1734 ngày 4/7/2023, trong đó quy định rõ các tiêu chuẩn đối với đơn vị thu gom rác. Các đơn vị này phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phương tiện, trang thiết bị và nhân lực. Việc lựa chọn đơn vị thu gom sẽ được thực hiện thông qua đấu thầu công khai, đảm bảo tính minh bạch và cạnh tranh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo các đơn vị thu gom thực hiện đúng quy định.

Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định rõ các hành vi vi phạm trong quá trình thu gom và vận chuyển rác thải, kèm theo mức xử phạt cụ thể từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Từ đó, sẽ từng bước chấm dứt việc thu gom rác không đúng quy định.

Ra mắt mô hình phân loại rác tại một khu dân cư ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một

Ra mắt mô hình phân loại rác tại một khu dân cư ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, hiện nay, việc phân loại rác không còn là thí điểm mà phải thực hiện một cách nghiêm túc. Để đạt được hiệu quả cao nhất, việc phân loại rác tại nguồn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các đơn vị thu gom rác và người dân. Các địa phương cần coi việc phân loại rác là nhiệm vụ phải thực hiện và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công trong việc phân loại rác.

Ông Mai Hùng Dũng chia sẻ: "Trên thế giới tôi đi và thấy rằng, rác vô cơ một tuần họ lấy 1 lần đem ra thì có người lấy, rác hữu cơ lấy hàng ngày theo giờ nên việc này rất đơn giản. Trước đây, mình ứng xử với rác coi như là vật thể ô nhiễm nên phân loại có 3 khâu là thu gom, vận chuyển và xử lí. Hiện nay, khi chúng ta phân loại thì nên ứng xử với nó như một nguồn tài nguyên. Khi làm tốt cái này, tài nguyên này sẽ có tác dụng và người dân ý thức hơn thì chúng ta sẽ làm được".

Mục tiêu của Bình Dương là đến năm 2025, 100% rác thải sinh hoạt trên toàn địa bàn các xã, phường, thị trấn được phân loại tại nguồn theo quy định; trong đó tỷ lệ phân loại đúng quy định đạt 50% trở lên…Việc phân loại rác tại nguồn không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải đưa ra môi trường mà còn tạo ra nguồn nguyên liệu tái chế, góp phần phát triển kinh tế.

Thiên Lý/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phan-loai-rac-tai-nguon-o-binh-duong-con-lam-gian-nan-post1115099.vov