Phân loại tài sản cố định
Ngày 25/4/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho DN quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại DN.
Giải đáp chính sách
Hỏi: Tôi được biết, vừa có hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho DN quản lý... Xin quý báo cho biết quy định chung về quản lý tài sản cố định?
(Nguyễn Ánh Mai, quận Cầu Giấy, Hà Nội)
Trả lời: Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:
Ngày 25/4/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho DN quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại DN. Thi đó, về quy định chung về quản lý tài sản cố định, Điều 3 nêu về tiêu chuẩn tài sản cố định:
1. Xác định tài sản:
a) Tài sản sử dụng độc lập được xác định là một tài sản.
b) Một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào trong đó thì cả hệ thống không thể hoạt động được thì hệ thống đó được xác định là một tài sản.
c) Một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ, liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và có chức năng hoạt động độc lập, đồng thời đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản thì mỗi bộ phận tài sản riêng lẻ đó được xác định là một tài sản.
d) Súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm thì từng con súc vật được xác định là một tài sản.
đ) Vườn cây lâu năm thuộc khuôn viên đất độc lập hoặc từng cây lâu năm riêng lẻ được xác định là một tài sản.
e) Quyền sử dụng đất đối với từng thửa đất hoặc phần diện tích được giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng thửa đất được xác định là một tài sản.
g) Quyền sở hữu trí tuệ được đăng ký, xác lập theo từng Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan đến quyền tác giả, văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp, Bằng bảo hộ giống cây trồng được xác định là một tài sản.
h) Mỗi phần mềm ứng dụng được xác định là một tài sản.
i) Thương hiệu của từng đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là một tài sản.
2. Tài sản quy định tại khoản 1 Điều này (trừ tài sản quy định tại khoản 3 Điều này) được xác định là tài sản cố định khi thỏa mãn đồng thời 02 tiêu chuẩn sau đây:
a) Có thời gian sử dụng từ 01 (một) năm trở lên.
b) Có nguyên giá từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên.
3. Tài sản quy định tại khoản 1 Điều này tại đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng phải tính đủ khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ theo quy định của pháp luật và tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng toàn bộ thời gian vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới theo quy định của pháp luật được xác định là tài sản cố định khi thỏa mãn đồng thời 02 tiêu chuẩn sau đây:
a) Có thời gian sử dụng từ 01 (một) năm trở lên.
b) Đáp ứng tiêu chuẩn về nguyên giá tài sản cố định theo quy định áp dụng cho DN.
Về phân loại tài sản cố định, Điều 4 quy định:
1. Phân loại theo tính chất, đặc điểm tài sản:
a) Tài sản cố định hữu hình là những tài sản có hình thái vật chất, có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định; gồm:
- Loại 1: Nhà, công trình xây dựng; gồm: Nhà làm việc; nhà kho; nhà hội trường; nhà câu lạc bộ; nhà văn hóa; nhà tập luyện và thi đấu thể thao; nhà bảo tồn, bảo tàng; nhà trẻ; nhà mẫu giáo; nhà xưởng; phòng học; nhà giảng đường; nhà ký túc xá; phòng khám, chữa bệnh; nhà an dưỡng; nhà khách; nhà ở công vụ và nhà, công trình xây dựng khác.
- Loại 2: Vật kiến trúc; gồm: Kho chứa, bể chứa, bãi đỗ, sân phơi, sân chơi, sân thể thao, bể bơi, giếng khoan, giếng đào, tường rào và vật kiến trúc khác.
- Loại 3: Xe ô tô; gồm: Xe ô tô phục vụ công tác các chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng, xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước và xe ô tô khác.
- Loại 4: Phương tiện vận tải khác (ngoài xe ô tô); gồm: Phương tiện vận tải đường bộ, phương tiện vận tải đường sắt, phương tiện vận tải đường thủy, phương tiện vận tải hàng không và phương tiện vận tải khác.
- Loại 5: Máy móc, thiết bị; gồm: Máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến; máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị; máy móc, thiết bị chuyên dùng và máy móc, thiết bị khác.
- Loại 6: Cây lâu năm, súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm.
- Loại 7: Tài sản cố định hữu hình khác.
b) Tài sản cố định vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN đã đầu tư chi phí tạo lập tài sản hoặc được hình thành qua quá trình hoạt động; gồm:
- Loại 1: Quyền sử dụng đất.
- Loại 2: Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.
- Loại 3: Quyền sở hữu công nghiệp.
- Loại 4: Quyền đối với giống cây trồng.
- Loại 5: Phần mềm ứng dụng.
- Loại 6: Thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập...
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phan-loai-tai-san-co-dinh-338254.html