Phân luồng phương tiện vận tải hàng hóa để thông suốt 24/24 giờ
Lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với Cảnh sát giao thông của các địa phương tổ chức phân luồng giao thông bảo đảm cho các phương tiện lưu thông thuận lợi, an toàn.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp phân luồng phương tiện vận tải hàng hóa bảo đảm thông suốt 24/24 giờ.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ động làm việc, phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và các tỉnh giáp ranh để tổ chức phân luồng, tuyến vận tải hàng hóa, bảo đảm thường xuyên thông suốt.
Các đơn vị trên tăng cường lực lượng để giải quyết nhanh nhất không để tình trạng ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, các điểm khai báo y tế đồng thời bảo đảm an toàn dịch bệnh cho lái xe, phương tiện và phòng chống lây lan dịch bệnh hiệu quả.
Tổng cục Đường bộ chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với Cảnh sát giao thông của các địa phương tổ chức phân luồng giao thông bảo đảm cho các phương tiện lưu thông thuận lợi; chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải không để tình trạng thiếu phương tiện vận chuyển làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Tại cuộc họp trực tuyến với 8 tỉnh, thành phố phía Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang vào ngày 4/7 về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận chủ động trao đổi, phối hợp với nhau để đảm bảo lưu thông hàng hóa, đảm bảo sản xuất kinh doanh, song người di chuyển qua lại phải đảm bảo an toàn, không làm lây lan dịch bệnh.
Trong Công điện số 789/CĐ-TTg về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế, thực hiện "mục tiêu kép" vào ngày 5/6, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải (kể cả vận chuyển hành khách, công nhân, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất…), bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện việc cách ly y tế đúng đối tượng quy định đối với người đến từ vùng dịch./.