Phan Minh Châu - hồi ức và tài hoa thổi hồn vào 'nét sợi'
Tôi vẫn biết và nhớ đến chị Phan Minh Châu với hình ảnh một cô ca sĩ xinh đẹp trên truyền hình những năm cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Đôi mắt trong sáng của chị ngước lên duyên dáng mỗi khi cất giọng ca dày dặn, trong vắt 'Mimosa từ đâu em tới?'.
Nhưng rồi sau đó chị rời ánh đèn sân khấu để trở thành một doanh nhân. Và ở một chặng khác, chị lại nhường công ty cho một người thân để rồi xuất hiện trước công chúng trong vai trò là một họa sĩ. Tròn 20 năm dấn thân vào hội họa, chị đã thả hồn vào hàng trăm bức vẽ và cho ra đời hai triển lãm “Rock Ballad màu” (2022) và “Nét sợi” (vừa được tổ chức tại phòng triển lãm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội).
Là một người con của Hà Nội, chị yêu sen và cây cầu Long Biên, hai chủ đề đó cũng như thể loại tranh trừu tượng là đam mê của chị trong sáng tạo. Những bức họa sen và cầu Long Biên xuất hiện ở cả hai triển lãm, nhưng lần này, chúng mang lại một hồn cốt mới cho “Nét sợi” khi được thể hiện qua phong cách trừu tượng hiện đại và trở thành tương phản với những tác phẩm sắp đặt với chủ đề "Nét sợi".
Bước vào khán phòng triển lãm, người thưởng ngoạn bất chợt ồ lên khi thấy xuất hiện một ngôi nhà bằng len sợi ngay giữa không gian chính với những gốc cây được kết bằng len giống như một khu vườn cổ tích. Một ý tưởng độc đáo, sáng tạo và đầy nữ tính khi ngôi nhà kia được kết bằng những bông hoa len đủ màu sắc. Chúng lập tức mang đến hoài niệm đẹp đẽ về những năm cuối thế kỷ trước, khi các bà các chị còn ưa môn thủ công này, vừa như một loại hình giải trí, vừa để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, vừa tiết kiệm chi tiêu khi những món đồ len được tự đan móc hàng ngày thay vì phải mua ngoài cửa hàng. Lâu lắm rồi cũng chẳng còn mấy ai đan len. Tất cả chỉ còn là ký ức, và nữ họa sĩ Phan Minh Châu đã mang ký ức tươi đẹp của bản thân chị, của người Hà Nội đến giữa không gian nghệ thuật sang trọng bậc nhất trên đất Thủ đô. Tác phẩm “Ngôi nhà hoa nở” là sự kết hợp giữa nét tài hoa của một nghệ nhân và cách sáng tạo của một nghệ sĩ. Những bông len rực rỡ được tác giả móc rất kiên nhẫn và cầu kỳ từ trước Tết. Chị cho biết, ngày nào chị cũng móc len, từ 10h tối đến 2h sáng, đêm nào cũng tỉ mẩn móc từng bông hoa len như vậy trước khi kết chúng thành ngôi nhà len. Chị đan móc len một cách thích thú mà tôi đồ rằng, cảm giác ấy có lẽ còn hạnh phúc hơn cả khi “Ngôi nhà hoa nở” được trưng bày trước sự chứng kiến của bao người ái mộ.
Nghệ thuật sắp đặt đã ra đời từ lâu, nhưng dường như chưa có ai nghĩ đến việc đưa những sản phẩm len móc trở thành một tác phẩm hội họa. Và, sự sáng tạo của nữ họa sĩ dường như không giới hạn. Chị yêu màu sắc. Ở "Rock Ballad màu", màu sắc tung tẩy đến độ vang ngân âm thanh, và lần này, sắc màu rực rỡ một lần nữa được sắp đặt một cách sáng tạo thông qua những nét sợi.
Họa sĩ Phan Minh Châu chia sẻ: “Nghệ thuật thủ công bồi dưỡng tính kiên trì. Tôi muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ để các bạn có thể sáng tạo nên những sản phẩm cho người yêu, gia đình, bạn bè. Thứ gì cũng có thể làm bằng len được, không chỉ khăn, mũ, áo mà còn là rèm cửa sổ, ga trải giường, khăn trải bàn... Chúng ta đừng ngại gì cả vì nghệ thuật tạo hình luôn có mặt khắp mọi nơi trong chính ngôi nhà của mình, từng góc nhà, từng góc vườn ta đều có thể thổi hồn sáng tạo vào đó. Các bạn cũng có thể tạo nên những sản phẩm nghệ thuật như vậy ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào, trên xe buýt hay lúc ta đang xem ti vi”. Phan Minh Châu cũng thú nhận rằng tác phẩm này ghi đậm dấu ấn hồi ức của chị về cái thời mà cha mẹ chị vẫn nhận những cuộn len về đan để lấy thêm tiền trang trải cho gia đình, hoặc sau đó sẽ chắt chiu thành những tác phẩm thủ công nghệ thuật tiện dụng như kết thành ri đô, thảm len... Qua bàn tay tài hoa của nghệ sĩ Phan Minh Châu, hơi thở đương đại, ước mơ, hoài niệm phả vào những cuộn len sợi bình thường, tạo nên một ngôi nhà len mà khách đến thưởng lãm đều dừng ở đó vài phút để cảm nhận một chút bình yên, một chút bồng bềnh, một chút lãng mạn khiến những mệt mỏi thường nhật ngoài kia chợt tan biến.
Họa sĩ Nguyễn Hiển cho biết, anh đặc biệt ấn tượng về tác phẩm “Ngôi nhà nở hoa” của Phan Minh Châu. “Ở đó, mỗi bông hoa là một thân phận, một đời sống, một màu sắc. Nó cũng giống như một xã hội. Những thân phận hoa tuy màu sắc, to nhỏ khác nhau, nhưng chúng kết nối lại tạo thành một tác phẩm hoàn hảo. Những bông hoa được tạo ra bằng cách móc sợi len thủ công. Ai đã từng móc len đều biết rằng, nếu để tuột sợi len thì có thể toàn bộ tác phẩm sẽ bị phá hủy. Sự kết nối giữa những bông hoa này cũng vậy. Nếu không cẩn thận, chỉ cần một vết đứt, sợi len sẽ tuột ra và phá vỡ sự kết nối mãi mãi. Nó mong manh và cần được bảo vệ giống như mối liên hệ giữa những con người" - họa sĩ nói.
Sau hơn nửa năm lao động nghệ thuật, giấc mơ êm đềm của người nghệ sĩ đã nở hoa và kết thành một triển lãm rực rỡ. Ở vai trò nào nghệ sĩ Phan Minh Châu cũng thành công, dù là ca sĩ, họa sĩ, doanh nhân hay một người vợ, người mẹ. Là cô con dâu yêu quý của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, là một nghệ sĩ danh tiếng, là một nữ doanh nhân thành đạt, nhưng tôi vẫn luôn cảm nhận ở chị Minh Châu một phong thái giản dị và đôi khi trong khoảnh khắc, chị không giấu được nỗi buồn sâu kín khi mấy chục năm trời luôn kề cận chăm sóc cho cậu em trai bị tai nạn từ trẻ. Nhưng ngay cả khi lắng nghe nỗi buồn ấy, tôi nhận thấy nguồn năng lượng tích cực, nhân hậu vô cùng từ người đàn bà tài hoa ấy. Cả với bạn bè, chị cũng luôn chân thành như vậy, nên tâm hồn, tình cảm ấy có lẽ đã lấp lánh tỏa hương cả ở những bông hoa len trong “Nét sợi”.
Trong xưởng vẽ của chị ở khu vực hồ Tây, tôi nhìn thấy những nét xinh xắn và sự ngăn nắp đầy nữ tính. Ở đó, ngoài những bức tranh sen mà chị “vẽ không biết chán”, ngoài những sản phẩm đan móc đáng yêu của một người đàn bà đẹp, còn tràn ngập suy tư về cuộc sống và sáng tạo nghệ thuật. Phan Minh Châu chưa bao giờ dừng lao động dù chỉ một ngày. Chị cho biết sẽ tiếp tục làm việc và suy nghĩ ý tưởng cho những triển lãm sắp tới. Và tôi tin, rồi lần nào chị cũng sẽ thành công.