Phận người nghiêng theo
… Những con dốc hom hem, ngoằn ngoèo, chỗ có bê tông, chỗ xen lẫn bụi đá. Ở đó, nhiều mảnh đời cứ nghiêng nghiêng, cứ rón rén trong cái xóm bé nhỏ ấy. Xóm động. Thời điểm giãn cách xã hội cứ trôi qua chưa đủ ngày, thế đấy! Nhưng, dường như tôi thấy bước chân mình đã chạm vào khó khăn và cả những mong chờ lúc này. Người quê tôi, ẩn mình chênh vênh giữa thành phố trong dịch giã. Lo từng ngày và không chỉ một ngày… Tôi vẫn tin, tin vào nơi này, đất ấm tình người sẽ chẳng bỏ rơi bất cứ ai.
Phận người nghiêng theo
Xóm động…
Trở lại những xóm động nơi tôi đã từng đặt chân đến khi bước vào nghề, chừng lâu lắm, cứ xa dần vì nhiều thứ. Nay trở lại, giữa lúc thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16. Khác hơn nhiều con hẻm nhỏ xíu có đoạn đã đổ bê tông, có đoạn vẫn còn đất đá, nhưng ít ra nhà cửa cũng đã gọi là chắc chắn. Chỉ vài nếp nhà, trơ trọi và lụp xụp.
Xóm động, khu phố 6, phường Hưng Long, vẫn y nguyên con đường nhỏ quanh co, nhỏ hẹp. Nó nằm trên đồi, chẳng ai nghĩ ở giữa thành phố nhỏ này có những cái xóm trên cao. Điểm đầu tiên, là căn chòi chừng vài mét vuông, trống hoắc. Chỉ có chiếc ghế xếp là tài sản. Tạm bợ đến nỗi cánh cửa duy nhất của căn chòi cũng chắp vá như chính cuộc đời. Cô Phan Thị Hiền, gầy guộc trong cái áo thun chẳng mấy lành. Mang trong mình chứng bệnh mà nhắc tới ai cũng phải sợ, bởi một điều đơn giản, dù có tiền cũng khó lòng vượt qua được: Ung thư. Còm cõi bao nhiêu năm, sống chung với bệnh tật, cái nghề giúp cô có cái ăn hàng ngày là bán những tấm vé “hy vọng” cho khách tứ phương. Nhưng phần mình, hy vọng là điều gì đó xa xôi. Cả tháng nay, dịch bệnh nên nghỉ bán. Cứ mỗi chiều lại lang thang ra đầu dốc nhìn về phía cửa biển, nhìn xuống con đường, tự vỗ về mình. Chạy về nhận quà, cô Hiền cười: “Mừng quá, cô cảm ơn mấy đứa, ngồi chơi nè”. Căn chòi nhìn lướt qua có cái ghế nhựa duy nhất. Nga – khu phố trưởng khu phố 6, chia sẻ: “Tội, khi nào có nguồn em đều gởi. Cô Hiền sống một mình đơn chiếc. Nhìn vui vậy, chớ bệnh nặng, á anh”. Nhét thêm cái bì thư để có thêm tiền dặm thêm bữa rau, cô Hiền cảm ơn rối rít. Mấy cô ở kề bên thấy vậy, cũng cười theo.
Đi lên thêm một đoạn nữa, con hẻm bắt đầu nhỏ lại dốc cao hơn. Căn nhà cấp 4 hiện ra dưới ánh mặt trời. Vệt nắng rọi thẳng vào cái bàn cỏn con có cái bếp, và mấy thứ lỉnh kỉnh. Thấy có người bước vào, bóng người phụ nữ đang ngồi trước bậc thềm vội vàng đứng dậy. Nép mình vào nhà tắm, nhìn ra ngoài. “Nhận quà cô ơi”. Người phụ nữ ấy, vụt miệng “cho quà hả, cô cảm ơn nhưng để đó đi”. Tôi cảm giác khó chịu, hỏi Nga “sao vậy?”. “Em quen rồi, cô vậy đó. Không bao giờ cho chụp hình, cũng không bao giờ chia sẻ điều gì hết. Cho thì nhận cảm ơn vậy thôi à, chớ chụp hình thì không được đâu anh, cổ sợ lên báo, truyền hình lắm”. Ra vậy. Tự nhiên tôi trở thành ích kỷ, chỉ vì muốn có một bức ảnh. Có thể chị nghèo thật, nhưng chính lòng tự trọng của chị ấy, khiến tôi tự nhiên xấu hổ. Chị là Đoàn Thị Cho, làm nghề chèo đò trên dòng Cà Ty bao nhiêu năm. Nghề chèo đò từng nuôi sống gia đình nhỏ bé ngày ngày đưa khách qua sông. Khách đi đò cũng là hàng xóm lao động bên cảng cá. Sau này, ai cũng có xe máy, thuận tiện hơn nên mất khách. Chị Cho lại nhận vận chuyển rau củ, nhu yếu phẩm cho các ghe thuyền trên bến sông, kiếm đôi ba chục ngàn đồng đắp đổi. Giờ phải dừng lại. Chẳng ai có thể hiểu, có nghèo khó nào giống nhau?!.
Những người “giấu mình”
Trong hành trình hơn 14 ngày qua, có lẽ tôi là người nhìn thấy nhiều cảm xúc: Nước mắt, nụ cười và niềm vui nó lan tỏa đi trong vòng tay thương yêu đùm bọc của những tấm lòng, không giàu có nhưng muốn cho đi, sẻ chia lúc này. Hôm đó, cũng đã tầm 7 giờ tối đạp xe quanh trong xóm, thấy người đàn ông mệt mỏi ngồi bên vệ đường. Quay xe ghé vào: “Anh ăn gì chưa?” - “dạ chưa”, anh nói. “Chờ em xíu”, quay ra đưa anh tạm cái bánh bao và chai nước. Mai ghé chỗ em, em gởi ít quà. Người đàn ông đó là Lê Bảo Trung, 38 tuổi. Làm phụ hồ, thất nghiệp. Đơn chiếc trong nhà có 2 mẹ con. Mẹ anh Trung bệnh nằm viện. Khó khăn này chồng lên khó khăn khác, anh đi lượm ve chai khắp các con đường. Trên vai là khúc cây tròn làm đòn gánh. Chập tối hôm sau anh ghé, bộ đồ đẫm ướt. Chia cho anh bịch cá khô một nắng để đông. Anh bảo: “Nhà không có tủ lạnh, khỏi cũng được. Cho gạo cũng được”. Chỉ có khúc cây, nhưng trên đó anh Trung gánh tất. Gánh cả cuộc đời của 2 mẹ con.
Ở khu phố 1, phường Hưng Long, một phần xóm đầm hồi trước. Gia đình ông Võ Ngọc Tỉnh nó cứ ám ảnh suốt cả hành trình. Con hẻm bên cạnh ngân hàng cũng chẳng thay đổi. Vẫn đường đất như mọi khi. Ở đó ai cũng biết gia đình chú Tỉnh. Ông bị tâm thần, 3 người con thì hết 2 người cũng di truyền theo bệnh của ông, lơ ngơ lắm. Được đứa út ăn học, nhưng quanh quẩn trong nhà, thấy người lạ cũng sợ, nép vào trong. Đứa con gái lớn, đang mang thai nhưng chẳng biết của ai! Phần quà bất chợt lọt thỏm giữa khoảng không, thiếu hụt và càng nhỏ nhoi trong tiếng cảm ơn và nụ cười của chú. Có lẽ hạnh phúc. Và cũng là lần đầu tiên, người đàn ông tha phương Phan Văn Hồng bật khóc trong nhà vì tiền nhà, tiền ăn đã cạn. Anh Hồng nói: “Hai cha con mới mượn lại chị chủ nhà 500.000 đồng để mua đồ ăn, anh cũng chờ hết giãn cách, nếu xin được thêm 2 tuần để cha con anh dọn đi. Chứ giờ không còn gì cả, con gái anh cũng mất việc mấy tháng nay”. Hay như ở khu phố 3 (Bình Hưng), 2 cha con chú Nguyễn Văn Quang là trường hợp đặc biệt. Vợ mất, chú ở nuôi con trai. Giấy tùy thân cũng chẳng có nên ngoài việc bán vé số nuôi con. Chú quanh quẩn trong căn nhà xập xệ của mình. Có thiếu cũng không kêu, ai biết thì giúp, ai cho thì nhận, lúc nào cũng lạc quan lắm. Sợ phiền người khác. Buồn vui gì cũng 2 cha con hủ hỉ trong căn “nhà” chừng 8 m2. Giờ thì khó rồi, con hẻm ấy đã phong tỏa…
Vùng đất tôi
Phan Thiết tôi, ai đã từng sinh ra ở đây sẽ dễ nhận thấy một mạch đập ấm áp. Chưa bao giờ thiếu vắng tình người trong bữa cơm manh áo. Mà chẳng phải Phan Thiết không, khi bắt đầu dịch bệnh. Chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đã nhấn mạnh mạnh rằng: Không ai bị bỏ lại phía sau, không để người dân thiếu đói, không để người yếu thế lẻ loi trong nhà mình. Những chính sách để đảm bảo nguồn sống gần như đã chạm vào từng ngõ ngách xóm làng. Mỗi sáng là nơi này, hay nơi khác. Túi gạo, bọc rau… lan tỏa như một làn gió vỗ về tình người trong lúc cạn kiệt nguồn sống.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã vừa xuất gần 4,5 tỷ đồng để hỗ trợ những người nghèo, những người neo đơn… Trong hành trình sẻ chia những ấm áp ấy, bà Phan Thị Vi Vân – Phó Chủ tich Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: Trong những lúc này, những phần quà, những đóng góp từ các mạnh thường quân nhiều hay ít không quan trọng, mà thể hiện sự đùm bọc sẻ chia cùng nhau. Về phía chính quyền địa phương, các đoàn thể cũng sẽ chăm lo tốt nhất cho bà con. Không đảm bảo đủ no, đủ ngon nhưng sẽ không thiếu thốn.
Ông Nguyễn Văn Sơn – cán bộ văn hóa phường Bình Hưng, trong suốt thời gian qua chạy khắp nơi xem ai thiếu, xin được là chuyển tới cho người nghèo. “Cần nhất lúc này, nếu được em xin cho bà con thêm. Hoặc có trường hợp nào khó khăn quá em sẽ nhờ các anh phụ thêm”, Sơn nói. Hay như Nga – khu phố trưởng khu phố 6, cứ âm thầm len lỏi trong các xóm động, xóm nhà cháy xách từng túi gạo, bị rau phân phát. “Mệt nhưng cũng thấy ấm lòng, chịu khó một chút thôi anh, để bà con đỡ lo lắng”...
Ở thành phố nhỏ bé này, quanh quẩn giữa 2 bờ nam bắc bởi con sông Cà Ty. Nhưng sức ấm của tình người vẫn cứ đong đầy, nhẹ nhàng tuôn chảy. Mỗi ngày, tình người ấm áp đó, vẫn cứ được tiếp sức ở những xóm trọ, xóm lao động nghèo mà cuộc sống cứ nghiêng nghiêng theo triền con dốc. Lúc này, hẳn sẽ có những chông chênh nhất định, nhưng cứ hãy vững tin, vì sức ấm của tình người.
Phóng sự: QUANG NHÂN
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/phan-nguoi-nghieng-theo-140535.html