Phẫn nộ với thuốc giả, sữa giả, thực phẩm giả: Bài cuối: Siết quản lý, xử lý nghiêm hành vi vi phạm
>>> Phẫn nộ với thuốc giả, sữa giả, thực phẩm giả (Bài 1)
Bài 2: Thuốc giả, sữa giả có “lọt” được vào các bệnh viện?
Mặc dù đã có nhiều quy định liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý an toàn thực phẩm nhưng thời gian qua, thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm giả vẫn có “đất sống”.

Nhân viên Trung tâm Kiểm nghiệm Đồng Nai (thuộc Sở Y tế) thực hiện test nhanh mẫu thực phẩm để phát hiện các chất cấm. Ảnh:H.Dung
Những hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả, đặc biệt là những cá nhân, tổ chức có chức năng quản lý nhưng lại tiếp tay cho hành vi sai phạm, cần phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật.
Không dung túng cho sai phạm
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các bộ, ngành, cơ quan trung ương để đánh giá về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa ngày 14-5 cho biết, 4 tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương trong cả nước đã bắt giữ, xử lý hơn 34 ngàn vụ việc vi phạm liên quan đến buôn lậu, hàng gian, hàng giả. Cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự gần 1,4 ngàn vụ với hơn 2,1 ngàn đối tượng.
Mới đây, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cùng 4 người khác đã bị khởi tố với cáo buộc có hành vi sai phạm, liên quan đường dây sản xuất và buôn bán số lượng lớn thực phẩm chức năng giả.
Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai NGUYỄN VĂN BÌNH kiến nghị cần sửa đổi một số quy định hiện hành để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác thanh, kiểm tra, đặc biệt là vấn đề hậu kiểm. Nếu phát hiện có vi phạm, lực lượng chức năng kiên quyết xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Ông Vũ Quang (phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) cho rằng: “Những người giữ trọng trách “cầm cân nảy mực” của Cục An toàn thực phẩm vì lợi ích cá nhân mà tiếp tay cho sai phạm cần phải bị xử lý nghiêm minh để răn đe cho nhiều người khác. Bởi người dân dù có hiểu biết, có kinh nghiệm đến đâu cũng không thể biết đó là hàng giả vì doanh nghiệp đã được cơ quan chức năng cấp các giấy chứng nhận”.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, cho hay Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người thực hiện hành vi bán hàng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội sau (tùy thuộc vào mặt hàng giả đã bán): tội sản xuất, buôn bán hàng giả với mức phạt cơ bản là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; tùy thuộc vào mức độ vi phạm, mức phạt cao nhất là 15 năm tù.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm với mức phạt cơ bản là phạt tù từ 2 năm đến 5 năm, mức phạt cao nhất là tù chung thân.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh với mức phạt cơ bản là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình: thu lợi bất chính từ 2 tỷ đồng trở lên; làm chết 2 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên…
Siết quản lý tận gốc
Luật sư Ngô Văn Định cho rằng, cần phải có những cơ chế cụ thể để kiểm tra, kiểm nghiệm, hậu kiểm nhằm không để những sản phẩm “lỗi” được tung ra thị trường. Bản thân người được phân công đi kiểm tra, kiểm nghiệm phải có kiến thức, trình độ, có trang thiết bị phù hợp để thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm. Đối với những người bị xử phạt liên quan đến vấn đề thuốc, sữa, thực phẩm chức năng giả, cần cấm thực hiện các công việc, nhiệm vụ liên quan trên lĩnh vực này trong thời gian nhất định. Tăng cường hậu kiểm, xử lý nghiêm người nổi tiếng quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm. Quan trọng nhất vẫn là đạo đức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, phải kiểm soát chặt các nguyên liệu ngay từ đầu vào, đảm bảo quá trình vận chuyển, bảo quản thuốc, thực phẩm, sữa, thực phẩm chức năng theo đúng quy định… mới hy vọng có được sản phẩm thật.

Lực lượng chức năng lập biên bản xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm đối với chủ một cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp ở huyện Trảng Bom. Ảnh:H.Dung
Để phòng chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, mới đây Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã ký văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh đẩy mạnh quản lý chặt chẽ hoạt động bán buôn, bán lẻ thuốc, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ, quy định bán thuốc theo đơn. Các cơ sở chỉ được mua bán các loại thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành, có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ đúng quy định. Tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguy cơ bị làm giả hoặc kém chất lượng lưu hành trên địa bàn.
Trong đó, Sở Y tế có trách nhiệm rà soát các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng gồm: thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành 389/ĐP tỉnh kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, lưu thông, kinh doanh thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tập trung theo dõi, phát hiện các cơ sở, đối tượng sản xuất thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả tại các địa bàn trọng điểm, các khu vực chợ, trung tâm phân phối, kho chứa hàng hóa.
Lãnh đạo tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chuyên môn, công an cấp xã tăng cường nắm bắt tình hình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.
Sở Công thương có trách nhiệm chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về công tác an toàn thực phẩm mới đây, ông Đỗ Ngọc Nam, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết, thuốc, sữa, thực phẩm không chỉ có tác động tức thời đến sức khỏe người dùng mà có tác động lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi. Vì vậy, lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tập trung theo dõi, quản lý các lĩnh vực được giao trên địa bàn, xử lý nghiêm và công khai kết quả xử lý các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, phòng tránh.
Anh Trần Hải Hưng (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) đề xuất, ngoài vấn đề đạo đức công vụ, các lực lượng thực thi pháp luật cần có giải pháp để quản lý chặt chẽ những mặt hàng được rao bán trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử. Bởi hiện nay thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi, chuyển từ mua sắm truyền thống sang mua sắm qua mạng. Nếu không quản lý chặt vấn đề này, hàng gian, hàng giả vẫn có thể len lỏi vào đời sống hàng ngày của người dân.