Phân rõ trách nhiệm công tác quản lý Nhà nước về phóng cháy, chữa cháy tại cơ sở

'Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC chính thức bắt đầu có hiệu lực rất phù hợp với mô hình tổ chức mới của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH sau tinh gọn bộ máy của lực lượng Công an nhân dân; quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp phường, xã trong công tác kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh và cơ sở thuộc phạm vi quản lý'- Đại tá Trần Ngọc Dương Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đánh giá.

Phân cấp quản lý về PCCC cho cơ sở sẽ hiệu quả công tác phòng ngừa hạn chế cháy, nổ

Phân cấp quản lý về PCCC cho cơ sở sẽ hiệu quả công tác phòng ngừa hạn chế cháy, nổ

Tạo thuận lợi cho người dân

Theo quy định, ngày 10/01/2021, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC chính thức bắt đầu có hiệu lực.

Công an Hà Nội đồng bộ triển khai Nghị định bàn giao cơ sở thuộc danh mục cho cấp phường, xã, để thuận cho người dân giải quyết thủ tục hành chính trong công tác PCCC và CNCH, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã quyết định phân công nhiệm vụ về cơ sở quận, huyện. Mục đích này, để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực Phòng cháy chữa cháy.

Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH- CATP Hà Nội cho biết, ngay sau khi Giám đốc có chỉ đạo, đơn vị đã ra thông báo để toàn thể các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được biết, khi có nhu cầu về các thủ tục hành chính về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Theo đó, Công an quận, huyện, thị xã sẽ giải quyết thủ tục theo thẩm quyền do Công an Hà Nội phân cấp. Việc đổi mới trong cải cách hành chính là chủ trương lớn của CATP Hà Nội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Trước đây, theo quy định người dân muốn giải quyết thủ tục hành chính phải tới Công an thành phố giải quyết những vấn đề: Cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; Cấp, cấp đổi, cấp lại Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn nạn cứu hộ; Quyết định phục hồi hoạt động của cơ sở liên quan đến phòng cháy chữa cháy.

Phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy công an xã chính quy

Theo lãnh đạo CATP, một số điểm mới trong Nghị đinh 136 cho thấy phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác PCCC và CNCH. Cụ thể, Công an thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc triển khai công an xã đảm nhiệm các chức danh tại cơ sở, do đó với mô hình tổ chức mới của lực lượng Công an việc quy định rõ trách nhiệm của phường, xã trong công tác kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh và cơ sở thuộc phạm vi quản lý sẽ nâng cao hiệu quả đam bảo an toàn, phòng ngừa cháy nổ tại khu dân cư.

Đối với quy định mới, nhà trọ; cửa hàng ăn uống; cơ sở dịch vụ xoa bóp, thẩm mỹ... và đặc biệt đã hướng đến loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh quy định rất rõ về trách nhiệm trong công tác PCCC của chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh; các trường hợp bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động do không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC.

UBND và CAQ Nam Từ Liêm bàn giao 7.294 cơ sở thuộc Phụ lục IV về danh mục các cơ sở do UBND cấp phường quản lý.

UBND và CAQ Nam Từ Liêm bàn giao 7.294 cơ sở thuộc Phụ lục IV về danh mục các cơ sở do UBND cấp phường quản lý.

Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, Nghị định đã quy định trách nhiệm của một số cơ quan về quy hoạch, xây dựng; trong đó, quy định rõ các văn bản xác nhận các yêu cầu về PCCC là một trong các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng đối với công trình.

Điển hình đối với công trình như nhà trọ có khối tích dưới 1.000 m³ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300 m² sẽ do UBND cấp xã, phường quản lý; các cơ sở còn lại với khối tích và tổng diện tích kinh doanh lớn sẽ do cơ quan công an quản lý. Đây cũng là những loại hình cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, tồn tại nhiều trong các khu dân cư nhưng nhiều năm qua chưa đưa vào diện quản lý về phòng cháy của cơ quan chức năng.

Được biết, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Giám đốc CATP Hà Nội, cho đến nay việc phân cấp quản lý, bàn giao cơ sở thuộc danh mục cho cấp phường, xã đã được triển khai đồng bộ, hoàn thành.

Để Nghị định 136 đi vào cuộc sống, Giám đốc CATP đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC&CNCH, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện công tác PCCC. Qua đó hạn chế cháy và thiệt hại mức thấp nhất do cháy, nổ gây ra.

Ánh Nguyệt

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phan-ro-trach-nhiem-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-phong-chay-chua-chay-tai-co-so-post460486.antd