Phân tuyến điều trị hợp lý cho người bệnh Covid-19

Việt Nam đang trong giai đoạn thứ tư (tính từ ngày 27/4) của dịch Covid-19 với sự gia tăng rất nhanh cả về số lượng người mắc và số người chết liên quan Covid- 19. Ðiều đó đòi hỏi công tác điều trị cần có sự thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

Kiểm tra sức khỏe cho người bệnh tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG

Kiểm tra sức khỏe cho người bệnh tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG

Tổng kết công tác điều trị trong ba giai đoạn trước, bên cạnh sự vào cuộc sớm và quyết liệt của các hệ thống chính trị, bộ, ngành, sự đồng lòng của người dân, có bốn nội dung rất quan trọng góp phần thành công trong điều trị Covid-19. Ðó là: Phân tuyến điều trị hợp lý, với bốn tuyến điều trị theo mức độ diễn biến của người bệnh: Tuyến xã (trạm y tế); tuyến huyện (bệnh viện, trung tâm y tế); tuyến tỉnh (bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa) và tuyến Trung ương (đối với bệnh nhân nặng). Bộ Y tế, Tiểu ban điều trị thường xuyên cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm điều trị của các nước. Thường xuyên xem xét các phương pháp điều trị như sử dụng thuốc kháng vi-rút, thuốc chống sốt rét; sử dụng huyết tương thay thế. Xây dựng tài liệu hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng khác nhau từ người mắc bệnh mãn tính, đến hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật và xây dựng 37 tiêu chí bệnh viện an toàn trong phòng, chống Covid-19.

Trong giai đoạn bốn, khi dịch bùng phát mạnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh và lan rộng ra các tỉnh, thành phố phía nam, chiến lược điều trị vẫn tiếp tục phát huy phương châm "bốn tại chỗ", đồng thời đã có những thay đổi để phù hợp hơn với tình hình dịch, nhất là vi-rút corona đã biến thể. Ðầu tiên phải kể đến là huy động nguồn nhân lực tại chỗ và nguồn nhân lực y tế tại các địa phương hỗ trợ cho Bắc Ninh, Bắc Giang. Tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, hiện nay Bộ Y tế đã huy động khoảng 10 nghìn cán bộ y tế hỗ trợ công tác xét nghiệm, truy vết, kiểm soát nhiễm khuẩn và điều trị. Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị cử cán bộ về các bệnh viện tuyến trung ương để học cách sử dụng máy thở, ECMO, lọc máu và kinh nghiệm điều trị người bệnh Covid-19.

Trước tình hình dịch vẫn lan rộng, số ca mắc mới có ngày lên đến gần 3.000 trường hợp (ngày 14/7), Tiểu ban điều trị, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương (trong đó có Sở Y tế TP Hồ Chí Minh) phân tuyến điều trị phù hợp tình trạng người bệnh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của từng ca bệnh; tổ chức hội chẩn liên khoa, liên viện, hội chẩn với Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế qua ba đơn vị phụ trách ba khu vực là: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (phía bắc); Bệnh viện T.Ư Huế (miền trung) và Bệnh viện Chợ Rẫy (phía nam) và qua Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị Covid-19 của Bộ Y tế (khi cần) để lên kế hoạch điều trị tốt nhất. Tại mỗi địa phương công tác điều trị cần chuẩn bị ba khu vực. Khu vực thứ nhất dành cho người bệnh Covid-19 không có triệu chứng (số lượng này khá lớn, chiếm khoảng 70% tổng số người bệnh). Khu vực thứ hai, điều trị người bệnh có triệu chứng, cần giảm thấp nhất các trường hợp điều trị nội trú tại các cơ sở y tế trên địa bàn để dành giường bệnh cho điều trị người mắc Covid-19. Khu vực thứ ba, chuyên điều trị người bệnh Covid-19 nặng, phải duy trì ECMO, lọc máu, thở máy.

Các khu vực này phải tuân thủ, thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế để quản lý, điều trị và chăm sóc hiệu quả cho người bệnh. Tuyệt đối bảo đảm nguyên tắc quản lý, cách ly triệt để, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ, kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm cho cán bộ y tế, người bệnh và cộng đồng. Thường xuyên cập nhật diễn biến ca bệnh và báo cáo tình hình thu dung, cách ly, xét nghiệm, điều trị và ghi nhận người bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh; sao chụp bệnh án ngay sau khi người bệnh Covid-19 xuất viện để tổng hợp, phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm.

Hiện Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đang củng cố, xây dựng và phát huy mạng lưới hồi sức tích cực toàn quốc để đáp ứng công tác điều trị bệnh nhân nặng không chỉ bởi dịch Covid-19 mà còn với các dịch bệnh khác. Ðể đáp ứng tốt nhất công tác cấp cứu, hồi sức tích cực các ca bệnh Covid-19 nặng theo nguyên tắc "bốn tại chỗ", bệnh viện đa khoa các tỉnh, thành phố rà soát, bổ sung năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực (ICU) hoặc thiết lập ngay đơn vị hồi sức tích cực (nếu chưa có) để không bị động. Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, chuẩn bị cơ số giường ICU để sẵn sàng tiếp nhận điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch; đồng thời hỗ trợ các địa phương khi cần thiết. Chuẩn bị, bố trí khu vực hồi sức tích cực tách biệt với khu hồi sức tích cực chung và các khoa, phòng khác. Các đơn vị chuẩn bị phương án để bảo đảm về nhân lực phục vụ, trang thiết bị y tế, danh mục thuốc điều trị, vật tư tiêu hao, trang bị phòng hộ và công tác kiểm soát lây nhiễm, chú ý hệ thống khí nén, ô-xi trung tâm, máy thở, camera theo dõi... sẵn sàng điều trị ngay ca bệnh nặng, nguy kịch trong trường hợp được phân công.

Hiện Bộ Y tế đã cử nhiều đoàn công tác để thiết lập Trung tâm ICU để thu dung điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch khu vực miền Ðông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Các bệnh viện đầu ngành như Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới T.Ư, Ðại học Y Hà Nội... đang tổ chức các đoàn chuyên gia vào hỗ trợ các tỉnh phía nam.

Trong công tác điều trị tại các tỉnh phía nam, Bộ Y tế lưu ý, với những ca bệnh nặng, nguy kịch, các cơ sở y tế phải liên hệ ngay Bộ phận thường trực tại TP Hồ Chí Minh để có hỗ trợ chuyên môn kịp thời. Cùng với những thay đổi trong chiến lược về dự phòng, chiến lược điều trị vẫn đang được củng cố và tăng cường để đáp ứng tình hình dịch, hạn chế số người tử vong, hạn chế lây nhiễm cho cán bộ y tế và lây nhiễm trong cộng đồng.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, trên cơ sở phân tích hơn 9.400 người bệnh Covid-19 trong tổng số hơn 32 nghìn ca mắc đang điều trị tại đợt dịch lần này cho thấy, tỷ lệ người bệnh không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ vẫn chiếm hơn 80%; số ca thở ô-xi gọng kính chiếm 5,3%; thở máy không xâm nhập chiếm 0,17%; thở máy xâm nhập 1,3% và can thiệp ECMO là 0,2%. Chỉ có 10 đến 20% số ca bệnh từ trung bình diễn biến nặng, nhưng do số ca mắc mới nhiều cho nên con số này tăng nhanh.

Nguyên tắc điều trị vẫn là "bốn tại chỗ", phân tầng điều trị theo diễn biến bệnh để tránh quá tải. Tuy nhiên, các bệnh viện chú ý các điều kiện chăm sóc y tế, quan tâm đến tình hình ô-xi, máy thở... Tất cả các khu vực điều trị đều cần ô-xi, kể cả khu vực điều trị ca bệnh nhẹ để phòng trường hợp nhẹ nhưng có bệnh nền dễ chuyển nặng.

Hoàng Hảo

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/y-te/phan-tuyen-dieu-tri-hop-ly-cho-nguoi-benh-covid-19-655444/