Phản ứng của Moscow sau khi Mỹ dừng chia sẻ dữ liệu hạt nhân với Nga
Kinhtedothi – Theo thỏa thuận có hiệu lực đến năm 2026, hai bên có trách nhiệm trao đổi dữ liệu toàn diện 6 tháng/lần về hệ thống vũ khí.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 29/3 tuyên bố Moscow sẽ không thay đổi lập trường đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) bất chấp việc Washington quyết định ngừng trao đổi dữ liệu với Moscow theo thỏa thuận này.
Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Thứ trưởng Ryabkov, dù đình chỉ song Nga vẫn tự nguyện tuân thủ các giới hạn về số lượng đầu đạn hạt nhân trong hiệp ước New START. Đồng thời khẳng định Mỹ vẫn là một bên của thỏa thuận hạt nhân quan trọng này, và vẫn có nghĩa vụ gửi dữ liệu cho Moscow.
Trước đó, ngày 28/3, Nhà Trắng cho hay Mỹ đã thông báo với Nga rằng nước này sẽ ngừng trao đổi một số dữ liệu về lực lượng hạt nhân chiến lược của mình sau khi Moscow từ chối làm như vậy, gọi đây là sự đáp trả đối với việc Nga đình chỉ tham gia New START.
Tuyên bố của người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson nêu rõ: "Vì việc Nga tuyên bố đình chỉ hiệp ước New START không đúng về mặt pháp lý, nên Mỹ được phép giữ lại bản cập nhật dữ liệu trao đổi hai năm một lần giữa hai bên để đáp trả".
Theo thỏa thuận trên, hai bên có trách nhiệm trao đổi dữ liệu toàn diện 6 tháng/lần, bao gồm số lượng và các đặc tính của hệ thống vũ khí.
Tuy nhiên, John Plumb, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Chính sách Không gian hôm 28/3 nói rằng nước này không nhận được bất kỳ báo cáo nào kể từ thời điểm Nga thông báo đình chỉ tham gia hiệp ước New START
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng tin Tass ngày 28/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow hiện không có bất kỳ cuộc trao đổi nào với Washngton về hiệp ước New START.
Ngày 1/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật đình chỉ việc tham gia New START.
Hiệp ước New START được cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và người đồng cấp Mỹ Barack Obama ký năm 2010, có hiệu lực từ năm 2011 và kéo dài đến năm 2026.
Hai nước cam kết cắt giảm kho vũ khí chiến lược xuống không quá 1.550 vũ khí hạt nhân sẵn sàng sử dụng; 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược đã được triển khai; 800 bệ phóng ICBM, SLBM và máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai và chưa triển khai; hai nước cũng thống nhất giám sát lẫn nhau tại các căn cứ ICBM, tàu ngầm và căn cứ không quân.
Trước đó, Mỹ cũng đã rút khỏi một loạt thỏa thuận kiểm soát vũ khí ký với Nga như Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước Bầu trời mở.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Putin hôm 25/3 thông báo sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, khẳng định đây là động thái "không có gì bất thường". Nhà lãnh đạo Nga cho hay sẽ bắt đầu huấn luyện các phi công Belarus vào đầu tháng 4 để lái máy bay mang bom hạt nhân và sẽ hoàn thành xây dựng một cơ sở chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus trước ngày 1/7 tới.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 29/3 thông báo nước này đã huy động hàng ngàn binh sĩ và nhiều khí tài trong đợt diễn tập chiến đấu với hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars.