Phản ứng của người trẻ trước đề xuất bỏ khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn'
Theo ý kiến nhiều bạn trẻ, khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn' không đơn thuần là chữ 'lễ' trong 'Tiên học lễ' mà bao hàm cả nền tảng đạo đức và văn hóa...
"Cần đưa ra thêm những khẩu hiệu mới đúng đắn, phù hợp với thực tế"
Trước dư luận về đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” của GS. Trần Ngọc Thêm, Lê Trang Anh – sinh ngành Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có góc nhìn đa chiều. Tựu chung lại, Trang Anh cho rằng đề xuất bỏ khẩu hiệu lúc này là chưa hợp lý.
Trang Anh chia sẻ: “Trước hết, tôi nghĩ ai cũng có quyền được bày tỏ quan điểm cá nhân, và GS.Trần Ngọc Thêm cũng vậy. Là một người làm nghiên cứu chuyên sâu, Giáo sư đã có những lập luận không hẳn không có cơ sở để đưa ra kiến nghị đó. Tuy nhiên, từ quan điểm cá nhân áp dụng vào thực tế là một câu chuyện dài, đòi hỏi sự xem xét kỹ lưỡng và lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức.
Do đó, tôi nghĩ mọi người không nên quá khích hay có những lời lẽ công kích đối với Giáo sư và với đề xuất. Còn quan điểm của tôi, mặc dù tôi tôn trọng ý kiến của GS. Trần Ngọc Thêm, nhưng tôi không đồng tình với việc bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong môi trường học đường lúc này.
Bởi tôi nghĩ từ “lễ” ở đây không chỉ là lễ nghĩa giữa thầy với trò, mà nó còn thể hiện đạo đức giữa người với người. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Bên cạnh việc ươm mầm tài năng, phát triển tri thức, nền giáo dục nước ta đã và vẫn đang chú trọng vào việc rèn luyện đạo đức cho học sinh, sinh viên.
Thực tế có thể thấy, tình trạng học sinh, sinh viên vô lễ với giáo viên vẫn diễn ra, xu hướng ngày càng gia tăng. Do đó, tôi nghĩ hạ nhẹ chữ “lễ” ở thời điểm hiện tại là chưa hợp lý.
Trước khi học thành tài, chúng ta cần phải học thành người. Một xã hội phát triển bền vững là một xã hội có những con người văn minh, đủ đức, đủ tài. Đây cũng là mục tiêu phát triển của nhiều quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam”.
Chu Quang Bằng, đang theo học Thạc sĩ ngành Quan hệ Quốc tế tại Trường Đại học Tổng hợp Liên bang Ural (Liên bang Nga) cho rằng, thay vì xóa bỏ khẩu hiệu, thì nên đề xuất thêm những khẩu hiệu mới nhằm tạo sự phát triển toàn diện của học sinh, sinh viên.
“Tôi cũng theo dõi những tranh luận xoay quanh thông tin về kiến nghị bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” của GS. Trần Ngọc Thêm. Trước khi là một du học sinh, tôi là một sinh viên trường Sư phạm trong nước, tôi thấy quan điểm của Giáo sư đưa ra chưa được hợp lý.
“Tiên học lễ, hậu học văn” từ lâu đã trở thành văn hóa không thể thiếu của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là trong việc giáo dục con người. Khẩu hiệu như kim chỉ nam giúp định hướng sự phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức và lối sống. Học lễ nghĩa và văn hóa luôn đi liền với nhau, và là yếu tố không thể thiếu trong hành trình làm người.
Nền giáo dục của nước ta hiện nay đã đổi mới và phát triển hơn rất nhiều so với trước đây, chuyển từ lấy người dạy làm trung tâm thành lấy người học làm trọng tâm, phát huy tối đa sự sáng tạo và tư duy của người học.
Tôi thấy câu khẩu hiệu này không ảnh hưởng gì đến sự khai phóng tư duy phản biện của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, ở một thời đại hội nhập và phát triển, trong các mối quan hệ quốc tế, lễ nghi và văn hóa của chúng ta chính là cầu nối và nét đẹp trong mắt bạn bè năm châu.
Đây cũng là một trong những điều tôi rất tự hào khi đi học xa xứ. Do đó, với ý kiến của tôi thì thay vì xóa bỏ khẩu hiệu thì hãy đưa ra thêm những khẩu hiệu mới đúng đắn, phù hợp với thực tế!”, Chu Quang Bằng nêu.
Vẫn cần một sự nghiêm chỉnh trong chuẩn mực
Vũ Châu Giang, sinh viên theo học bộ môn Văn hóa và Ngôn ngữ Ả Rập của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, ủng hộ mục tiêu cần phát triển tư duy phản biện và sức sáng tạo của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” để thực hiện điều này thì với Giang là chưa hợp lý:
“Đầu tiên, tôi thấy kiến nghị của Giáo sư cũng là một ý tưởng mới, táo bạo và có nhiều khía cạnh đúng đắn. Song, tôi nghĩ rằng chữ “lễ” trong “Tiên học lễ” không chỉ mang nghĩa của sự thụ động: “dễ bảo, vâng lời”, mà “lễ” theo tôi hiểu bao hàm cả nền tảng đạo đức và văn hóa. Sự sáng tạo cùng tư duy phản biện và dân chủ là cần thiết, thực sự nên khuyến khích. Nhưng việc này cần được thực hiện trên cơ sở là phản biện văn minh, lành mạnh để không dẫn đến “dân chủ quá trớn”, gây ra một số tình trạng phản cảm như học sinh "bật" lại giáo viên với giọng điệu hùng hổ như đang tranh cãi tay đôi với bạn cùng trang lứa mà đã được nhiều báo, đài đưa tin.
Thêm vào đó, giáo viên hiện nay được bồi dưỡng không chỉ để là người truyền thụ kiến thức, mà còn là người giáo dục rèn luyện kỹ năng mềm, định hướng cho sự sáng tạo của học sinh, sinh viên.
Từ đó, giúp thế hệ trẻ dần hoàn thiện về thể chất, tư duy để trở thành một công dân tốt, có đạo đức, kỉ luật - đây cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tiếp nối mạch nguồn “soi đường cho quốc dân đi”: xây dựng một nền văn hóa tiên tiến nhưng đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy những giá trị truyền thống, những ứng xử tốt đẹp (hiếu thảo, hiếu học,...), người tốt việc tốt... Vậy nên, trước khi thúc đẩy một tư duy phản biện tự do, ta vẫn cần một sự nghiêm chỉnh trong chuẩn mực”.
Vũ Hữu Hồng Quân – sinh viên ngành Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội cũng chia sẻ quan điểm tương tự: “Là một người trẻ, đặc biệt là một sinh viên, tôi hiểu câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ý muốn nói con người phải học lễ nghĩa, đạo đức, đạo lý làm người trước, sau mới học đến văn chương, chữ nghĩa và các lĩnh vực khác. Do đó, bản thân tôi không đồng tình với quan điểm của GS. Trần Ngọc Thêm về việc bỏ khẩu hiệu này.
Bởi “Tiên học lễ, hậu học văn” là một truyền thống từ xưa đến nay của dân tộc ta. Trước khi học kiến thức thì bản thân mỗi chúng ta cần phải học cách làm người, biết cách cư xử sao cho đúng mực. Nói bỏ “lễ” để để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo là không hợp lý. Vì từ xưa đến nay, tuy chúng ta đề cao vai trò của người “thầy” (Không thầy đố mày làm nên) nhưng cũng ko tuyệt đối hóa vai trò của việc “học thầy” mà có câu nói “Học thầy không tày học bạn”.
Chữ “lễ” theo quan điểm của GS.Trần Ngọc Thêm chỉ được hiểu bó hẹp trong mối quan hệ giữa thầy và trò, nhưng “lễ” ở trong câu “Tiên học lễ, hậu học văn” là lễ nghĩa - một phạm trù quan trọng trong đạo đức và đạo lý làm người. Rèn luyện đạo đức luôn là nền tảng của Giáo dục và là một điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống hiện nay. Khi mà vấn đề học sinh, sinh viên ngày càng có những biểu hiện thiếu chuẩn mực đạo đức, thì việc bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” là một điều không hợp lý. Tôi nghĩ thay vì bỏ đi khẩu hiệu này thì cần phải nâng cao hơn nữa việc giáo dục đạo đức và phổ cập nó đến thế hệ trẻ.”
Trước đó, ngày 21/11, Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức với chủ đề: “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”. Đáng chú ý, trong bài tham luận phát biểu tại Hội thảo, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã đưa ra đề nghị “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”. Đề xuất này cũng nhanh chóng thu hút dư luận.