Phản ứng của nhà văn khi thấy sách mình ký tặng trong hàng đồng nát
Khi tìm thấy tác phẩm mình trân trọng đề tặng người khác phải chịu phận trôi dạt, các nhà văn mỗi người một phản ứng khác nhau.
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã giãi bày cõi lòng khi thấy sách kèm chữ ký mình đề tặng trong quầy sách cũ. Đây không phải lần đầu tiên nhà văn bắt gặp tình huống này và bày tỏ nỗi thất vọng.
Mở đầu với tiêu đề “Tôi lại buồn”, ông cho biết có người mua lại được cuốn sách trước đây ông ký tặng người khác. Đó là tập sách viết nhan đề Nhà văn như Thị Nở với lời ghi tặng cho nhà văn Đặng Hiển vào đúng năm ra sách - 2014.
Tháng trước, nhà văn cũng đăng bài viết “Nên buồn hay nên tiếc” sau khi gặp lại thủ bút lưu lạc của mình. Ông chia sẻ: “Người đưa lại cuốn sách kể là cháu thấy nó trong một cuộc trưng bày sách cũ và đã phải bỏ ra một khoản tiền khá "chát" để mua lại nó mang về cho bác Nguyên khi thấy có lời đề tặng này”.
Thực tế, đây không phải là chuyện hiếm gặp. Tuy nhiên, những sự việc kiểu này vẫn luôn gây khó xử, thậm chí, có trường hợp, một nhà văn khi tìm thấy sách mình tặng bạn ở hiệu sách cũ, đã quyết định không giao thiệp với người bạn kia nữa.
Câu chuyện làm dấy lên những tranh luận xoay quanh văn hóa tặng sách của các nhà văn, đồng thời cũng mang tới những phản ứng trái chiều về cách người nhận đối xử với sách tặng.
Văn hóa tặng sách và thực trạng phũ phàng
Dưới bài đăng “Tôi lại buồn”, Bà Ngô Thị Thu Ngân - Trưởng phòng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - chia sẻ sau rất nhiều năm làm sách, bà nhận ra một điều: “không nhiều người quý trọng/đọc sách được tặng, trong khi tác giả/dịch giả cũng chả dư giả gì, nhuận bút có khi còn không đủ mua sách tặng”. Vì lẽ này, lâu nay bà đã hạn chế tặng sách, đồng thời từ chối nhận sách tặng (trừ những trường hợp đặc biệt) và sẽ mua nếu bà thực sự quan tâm cuốn sách đó.
Nhà báo Phan Thanh Phong có chung quan điểm “sách là không nên tặng”, trừ phi người nhận đặc biệt thân thiết với tác giả và có nhu cầu đọc.
Nhà văn Trương Thị Thương Huyền cũng “chua chát” kể: khi được Nhà xuất bản Trẻ in cho tập truyện ngắn đầu tay, bà đã hồ hởi bỏ chính tiền nhuận bút của mình ra mua sách mình viết và đề tặng những bạn viết nhân ngày họp chuyên môn của Hội Nhà văn. Bà cho biết ai nhận sách cũng hoan hỉ chúc mừng, vậy mà tới cuối buổi họp, khi dọn hội trường, bà lại thấy không ít “những hoan hỉ” nọ để lại sách tặng dưới hộc bàn. “Chua chát! Bẽ bàng!” Từ đó, bà hạn chế tặng sách, chỉ tặng những người mà bà biết chắc sẽ đọc.
Bàn về văn hóa tặng sách, nhà văn Vũ Xuân Tửu kể một câu chuyện khiến ai đọc cũng phải mếu máo cười: Trong những lần đi dự Hội nghị Những người viết văn trẻ và các Đại hội Nhà văn, ông đều thấy nhiều sách tặng bị giấu dưới chăn đệm khách sạn. Khi ấy, ông đành lặng lẽ đi thu sách về, vì “sợ chị em dọn phòng họ chê cười các nhà văn ta”.
Ông cũng chia sẻ về những khi ông ghé các hiệu sách cũ trên đường Láng, hoặc những nơi bán sách theo cân ở Tuyên Quang và ngỡ ngàng nhận ra trong đó có rất nhiều sách của các tác giả tên tuổi đề tặng những người có tên tuổi.
Trả lời phỏng vấn của Zing, nhà văn Uông Triều cho biết ở những lần đầu mới ra sách, gặp thủ bút của mình lưu lạc ở hiệu sách cũ, ông cũng cảm thấy không vui. Sau này, khi đã tiếp xúc nhiều, ông hiểu được lý do sách tặng gặp tình trạng như vậy. “Có những tình huống mà mình không kiểm soát hết được, nên vui vẻ thì hơn”, nhà văn nhận định.
Ông cho biết nhà văn đôi khi được tặng nhiều sách quá cũng không đọc hết được, nhà chật cũng không chứa hết nên phải cho đi. Hoặc cũng có trường hợp cho mượn sách xong quên không đòi. “Sách thất lạc là chuyện bình thường”, ông nói. Ông hiểu được nỗi bức xúc của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhưng cho rằng vấn đề “cũng không đến mức nghiêm trọng như thế”.
Ông Triều kể thêm: có những khi, người được tặng còn không muốn nhận sách. Quan trọng là nhà văn phải chọn lọc được đối tượng tặng, cách tặng và thời điểm tặng, chứ không nên tặng một cách xô bồ, cảm tính.
Làm gì với sách tặng?
Trao đổi với Zing, cây bút Phạm Xuân Nguyên cho hay dù thông cảm và biết rằng mỗi người một hoàn cảnh, không phải ai cũng có điều kiện giữ sách bên mình, nhưng ông vẫn thấy buồn khi nghĩ về số phận đứa con / món quà tinh thần của mình.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây là chuyện bình thường, chẳng đáng phải buồn. Chia sẻ quan điểm này, trên trang cá nhân, nhà văn Uông Triều viết: “Nói thật, các nhà văn tặng sách ít thôi, nên suy nghĩ ít nhất 3 lần trước khi tặng sách ai đó”. Ông nhận định sách thực chất là hàng hóa tinh thần, khi thấy có người cần hơn thì tặng lại.
Cá nhân ông Nguyên cho rằng người được tặng sách có thể xử lý khác đi, như là đề tặng lại cho thư viện, hoặc chuyển tặng cho người khác. Còn nếu không, nhà văn nghĩ người được tặng nên xé trang có chữ ký đi thì hơn. “Bạn thấy đó là nỗi buồn hơi nhẹ. Tôi thì không”, ông bộc bạch.
Một số nhà văn không đồng tình với ý kiến “xé trang đề tặng đi”. Họ cho rằng động thái ấy quá phũ phàng và xé trang đề tặng đi mới là không trân trọng nhà văn.
Nhà văn Uông Triều viết: “Tôi đã ký vào hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cuốn sách của mình để làm vui lòng độc giả (mua sách) và tôi thấy vui vì nếu có chữ ký của mình sách được bán với giá cao hơn hoặc nằm ngoài hàng sách cũ, vì đơn giản nó có cơ hội đến tay nhiều người đọc và còn có giá trị, được quy thành tiền chứ không phải để gói xôi!”
Tác giả Cô độc cho biết ông coi việc cho / tặng lại sách chính là cho sách thêm một vòng đời. Nhiều khi người sau này sở hữu được cuốn sách đấy lại cần và coi trọng cuốn sách hơn người cũ. Ông cũng tin rằng sách càng được truyền tay nhau, càng được nhiều người đọc, càng tốt.
Gợi ý cách xử lý cẩn thận hơn để không làm phật lòng người tặng, nhà văn Uông Triều lấy ví dụ về PGS.TS Ngô Văn Giá, người thường đóng dấu đề tặng lại người khác khi không có nhu cầu giữ sách tặng.
Trong trường hợp người được tặng không muốn nhận sách thì cũng khó có thể từ chối nhà văn được. Nên nhiều khi, tặng lại người khác chính là một động thái khéo léo hơn.