Phản ứng của ông Kim Jong Un sau khi tàu chiến mới của Triều Tiên bị sự cố nặng

Tàu chiến mới nhất của Triều Tiên đã bị hư hại nghiêm trọng trong lễ hạ thủy hôm 21/5. Lãnh đạo tối cao Kim Jong Un đã chứng kiến tai nạn này. Ông tuyên bố điều này làm tổn hại uy tín của đất nước và ông cam kết trừng phạt những người chịu trách nhiệm, theo truyền thông nhà nước Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gọi sự cố hạ thủy tàu chiến nói trên là một “hành vi phạm tội” bắt nguồn từ “sự cẩu thả hoàn toàn” và “thiếu trách nhiệm” của nhiều cơ quan nhà nước, bao gồm Cục Công nghiệp vũ khí đạn dược, Đại học Công nghệ Kim Chaek và Cục Thiết kế tàu trung ương.

Tàu chiến mới nhất của Triều Tiên bị sự cố lật sang một bên khi hạ thủy. Ảnh vệ tinh: Airbus.

Tàu chiến mới nhất của Triều Tiên bị sự cố lật sang một bên khi hạ thủy. Ảnh vệ tinh: Airbus.

Ông Kim thông báo rằng những hư hại này sẽ được giải quyết không chỉ thông qua những sửa chữa kỹ thuật mà còn cả trách nhiệm chính trị. Ông đã ra lệnh khôi phục lại tàu một cách vô điều kiện trước phiên họp toàn thể vào cuối tháng 6 của Đảng Lao động Triều Tiên. Ông coi đây là vấn đề danh dự quốc gia.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho hay, Triều Tiên đã lập một nhóm điều tra tai nạn. KCNA hôm 23/5 đưa tin, Triều Tiên đã bắt đầu điều tra quy mô lớn về sự cố này. Nhóm điều tra được yêu cầu tìm ra nguyên nhân tai nạn và những người chịu trách nhiệm về sự cố này. Các quan chức cấp cao có thể đối mặt khiển trách tại phiên họp Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Triều Tiên sắp tới.

Hong Kil Ho - giám đốc xưởng đóng tàu Chongjin, đã bị triệu tập lên cơ quan thực thi pháp luật vào hôm 22/5 khi họ bắt đầu tiến trình bắt giữ và điều tra những người chịu trách nhiệm về vụ tai nạn.

Nguyên nhân kỹ thuật khiến tàu chiến Triều Tiên gặp sự cố

KCNA cho biết, lỗi trong cơ chế hạ thủy đã khiến cho phần sau của khu trục hạm 5.000 tấn chưa được đặt tên này trượt sớm xuống nước, làm nát nhiều chỗ của thân tàu và khiến phần trước của tàu bị kẹt trên đường trượt.

Bình Nhưỡng hôm 21/5 cho biết, sự cố là do mất thăng bằng khi hạ thủy tàu.

Một cuộc kiểm tra nội bộ đã không phát hiện ra lỗ hổng nào tại đáy tàu, nhưng mạn phải của tàu đã bị cào mạnh, nước biển tràn vào khu vực đuôi tàu thông qua kênh cứu hộ.

Khu trục hạm mới nhất của Triều Tiên trước lúc hạ thủy tại xưởng đóng tàu Chongjin. Ảnh vệ tinh: Maxar.

Khu trục hạm mới nhất của Triều Tiên trước lúc hạ thủy tại xưởng đóng tàu Chongjin. Ảnh vệ tinh: Maxar.

KCNA dẫn lời các chuyên gia ước tính rằng phải mất 2 - 3 ngày để khôi phục sự thăng bằng của tàu bằng cách bơm nước biển ra khỏi khoang bị ngập và khoảng 10 ngày để khôi phục sườn tàu.

Theo một phân tích của quân đội Hàn Quốc, con tàu nói trên đang trong trạng thái nằm đổ sang một bên, thành bị chìm trong nước - phát ngôn viên Hội đồng tham mưu trưởng Lee Sung Joon cho hay trong một cuộc họp báo hôm 22/5.

Nhà phân tích hải quân Carl Schuster ở Hawaii, sau khi nhận được tin tức về sự cố trên từ hãng KCNA, cho biết ông cho rằng áp lực sẽ “làm biến dạng thân tàu, gây ra những vết nứt và có thể làm gãy sống tàu, tùy thuộc vào vị trí chịu áp lực là lớn nhất”.

Nhà phân tích quốc phòng Hàn Quốc Yu Yong Weon cho rằng việc vội hạ thủy tàu có khả năng đã dẫn tới sự cố hôm 21/5. Ông cũng cảnh báo, việc vội vàng sửa chữa có thể gây ra thêm nhiều vấn đề.

Thiệt hại lớn đối với hải quân Triều Tiên

Giới phân tích hải quân cho rằng hư hại mà một con tàu gặp phải khi gặp sự cố hạ thủy như trên là điều thảm họa. Sal Mercogliano - giáo sư Đại học Campbell ở Bắc Carolina (Mỹ), đồng thời là một chuyên gia hàng hải, nói với CNN rằng “nếu một tàu không di chuyển được cả khối, áp lực sẽ xé toạc thân tàu”.

Giới quan sát cho rằng đây là một bước lùi đối với nỗ lực hiện đại hóa hải quân tham vọng nhất của Triều Tiên trong nhiều thập kỷ. Theo giới phân tích, căn cứ trên mức độ hư hại thì gần như khó có thể sửa xong tàu như thời hạn do ông Kim đề ra.

Đô đốc Hàn Quốc Kim Duk Ki cho biết, dường như Triều Tiên thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết (cụ thể một ụ khô) cho việc hạ thủy, chưa nói đến chuyện sửa chữa, khôi phục tàu.

Ụ khô là một cơ sở cho phép tháo nước vào để làm tàu nổi, và rút nước để đóng hoặc sửa chữa tàu một cách dễ dàng. Ụ khô khá đắt đỏ và có khả năng Triều Tiên chưa sở hữu cơ sở hạ tầng này, theo Đô đốc Kim Duk Ki. Ông cho rằng việc khôi phục tàu có thể mất từ 4 - 5 tháng.

Con tàu hải quân vừa gặp sự cố là tàu mặt nước lớn thứ hai được Triều Tiên công bố liên tiếp trong thời gian qua. Hồi tháng 4, nhà lãnh đạo Kim Jong Un công bố tàu Choe Hyon - tàu khu trục đóng mới đầu tiên của quốc gia Đông Á này trong nhiều thập kỷ. Ông Kim cũng tiết lộ ý đồ đóng thêm khu trục hạm, tuần dương hạm và nhiều loại tàu hộ vệ.

Truyền thông Triều Tiên miêu tả Choe Hyon là tàu chiến “thế hệ mới” có khả năng tăng cường mức độ sẵn sàng chiến đấu của hải quân Triều Tiên trong bối cảnh đe dọa gia tăng từ Mỹ và Hàn Quốc.

Giới phân tích quân sự phương Tây nhận xét rằng Choe Hyon phản ánh việc rời xa kiểu tàu cũ kỹ thời Xô viết vốn phổ biến trong hải quân Triều Tiên. Hình ảnh vệ tinh và clip hiếm hoi cho thấy Choe Hyon có thể có cùng các yếu tố thiết kế giống với tàu hải quân Nga.

Hải quân được xem là quân chủng kém phát triển nhất trong lực lượng vũ trang Triều Tiên.

Trung Hiếu/VOV.VN tổng hợp Nguồn: CNN, Reuters, Tân Hoa xã

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/phan-ung-cua-ong-kim-jong-un-sau-khi-tau-chien-moi-cua-trieu-tien-bi-su-co-nang-post1201599.vov