Đông Nam Á trở thành miền đất hứa cho công nghiệp quốc phòng châu Âu

Nhiều quốc gia châu Âu đang đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng với các quốc gia Đông Nam Á, qua việc ký kết thỏa thuận, điều động tàu chiến và góp mặt tại các diễn đàn khu vực.

Đông Nam Á đa dạng hợp tác quốc phòng

Binh sĩ Philippines tuần tra tại Mindanao. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Binh sĩ Philippines tuần tra tại Mindanao. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo DW (Đức), một số quốc gia Đông Nam Á đang gia tăng mở rộng hợp tác với châu Âu để đa dạng hóa thỏa thuận an ninh, ngoài những đối tác truyền thống như Mỹ và Nga.

Trong tháng 5 này, Đức và Philippines đã nhất trí tăng cường quan hệ quốc phòng và đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, bao gồm cả tái vũ trang.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro và người đồng cấp Đức Boris Pistorius đã ký kết "Thỏa thuận về hợp tác quốc phòng" tại Berlin. Thỏa thuận mới sẽ mở rộng hợp tác để bao gồm an ninh mạng, vũ khí, logistic và nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Philippines đã đạt được một loạt các thỏa thuận quốc phòng mới trong 12 tháng qua, bao gồm một thỏa thuận với New Zealand vào tháng 4. Quốc gia Đông Nam Á này dự kiến sẽ ký thỏa thuận quốc phòng tương tự với Canada trong năm nay. Trước đó, vào tháng 12/2024, Manila đã ký Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) với Nhật Bản.

Philippines cũng dự kiến sớm bắt đầu đàm phán với Pháp về một thỏa thuận quân sự cho phép binh sĩ nước ngoài đồn trú thạm thời. Thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện cho quân đội Pháp đồn trú tại các căn cứ của Philippines, tương tự như thỏa thuận mà Philippines đã có với Mỹ.

Vào năm 2024, Đức đã triển khai hai chiến hạm đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thể hiện cam kết của Berlin đối với các hoạt động tự do hàng hải. Vào tháng 2, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành các quốc gia quan sát viên tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), diễn đàn quốc phòng chính của Đông Nam Á.

Ngoài thỏa thuận quốc phòng, các quốc gia Đông Nam Á cũng đang tìm cách đa dạng hóa đối tác mà họ mua vũ khí. Điều này đã dẫn đến việc các quốc gia châu Âu đang tích cực vận động để ký kết hợp đồng.

Năm ngoái, Philippines đã phê duyệt một chương trình trị giá 35 tỷ USD để nâng cấp lực lượng vũ trang nước này, bao gồm kế hoạch mua tàu ngầm lần đầu tiên.

Tính đến thời điểm này, các bên nộp đơn đấu thầu gồm có Hanwha Ocean của Hàn Quốc, Naval Group của Pháp, Navantia của Tây Ban Nha và một liên doanh giữa Fincantieri của Italy và công ty đóng tàu hải quân hàng đầu của Đức ThyssenKrupp Marine Systems. Vào đầu tháng 5, ThyssenKrupp Marine System đã ký hợp đồng mới với Singapore để đóng thêm hai tàu ngầm Type 218SG.

Nhiều quốc gia châu Âu là đối tác tiềm năng

Hệ thống IRIS-T của Đức. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Hệ thống IRIS-T của Đức. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Năm 2024, Đức đã cung cấp 4 trực thăng hạng nhẹ EC-145 và bốn động cơ tàu 11001-15000 cho Indonesia. Cùng năm đó, Đức bán tên lửa không đối không tầm xa IRIS-T cho Thái Lan. Theo Bộ Kinh tế Đức, vào năm ngoái, nước này đã nhất trí bán vũ khí trị giá 1,2 tỷ euro cho Singapore. Các quốc gia Đông Nam Á khác, bao gồm Indonesia, cũng đang cân nhắc mua vũ khí châu Âu, chủ yếu từ Pháp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có kế hoạch đến một số quốc gia Đông Nam Á, bao gồm các điểm dừng chân tại Indonesia và Singapore, nơi ông sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại Shangri-La, hội nghị thượng đỉnh an ninh hàng đầu châu Á.

Đầu tháng 5, quân đội Indonesia đã đến Italy tham gia khóa huấn luyện trên hai tàu hộ vệ tiên tiến 6.000 tấn. Trong đó, chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao cho Indonesia vào tháng 6.

Giáo sư Alexander Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Honolulu, phân tích với DW: “Xu hướng đa liên kết đang gia tăng trong bối cảnh chính trị toàn cầu hiện nay nhiều biến động và khó lường. Đối với các nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, những quốc gia châu Âu như Đức, Pháp và Anh nổi lên là các đối tác thay thế tốt. Nếu các quốc gia châu Âu khắc phục được thách thức trong quan hệ với Nga và Mỹ trong bối cảnh hiện nay, họ có thể trở thành nguồn cung vũ khí đáng tin cậy cho Đông Nam Á".

Ông Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, nói với DW rằng các nước châu Âu đang có "vị thế tốt" để tăng doanh số quốc phòng cho khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh xuất khẩu vũ khí Nga chịu nhiều tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tuy nhiên, ông Storey đánh giá rằng các công ty vũ khí châu Âu sẽ phải đối mặt với "cạnh tranh gay gắt" từ những nhà cung cấp truyền thống như Mỹ và các đối thủ mới nổi như Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. "Đặc biệt, Hàn Quốc đang trên đà phát triển ở Đông Nam Á", ông bổ sung.

Năm 2023, Hàn Quốc đã trở thành một trong 10 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới và chính phủ nước này đặt mục tiêu giữ vị trí thứ 4 vào năm 2027.

Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/dong-nam-a-tro-thanh-mien-dat-hua-cho-cong-nghiep-quoc-phong-chau-au-20250523145555080.htm