Phản ứng của ông Zelensky, EU trước khả năng Mỹ công nhận bán đảo Crimea là lãnh thổ Nga
Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt phản đối khả năng Mỹ công nhận bán đảo Crimea là một phần của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Kyiv Independent.
Ông Zelensky: "Không có gì để đàm phán"
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 tuyên bố, Ukraine sẽ không bao giờ công nhận bán đảo Crimea là lãnh thổ Nga về mặt pháp lý, bất kể hoàn cảnh nào.
“Không có gì để nói cả. Điều đó vi phạm Hiến pháp của chúng tôi. Đây là lãnh thổ của chúng tôi, lãnh thổ của người dân Ukraine”, ông Zelensky khẳng định trong cuộc họp báo tại Kyiv.
Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc có thông tin Mỹ đang cân nhắc công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga như một phần trong đề xuất nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Ông Zelensky cảnh báo bất kỳ cuộc thảo luận nào về Crimea đều có thể đẩy các cuộc đàm phán vào “cái bẫy” mà Điện Kremlin mong muốn, khiến xung đột kéo dài.
“Ngay khi các cuộc thảo luận về Crimea và các vùng lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi bắt đầu, tiến trình đàm phán sẽ đi theo hướng mà Nga muốn. Đó là kéo dài xung đột”, ông nói thêm.
Tổng thống Ukraine cho biết, Kiev đã nhận thấy các tín hiệu liên quan đến Crimea xuất hiện qua nhiều kênh khác nhau, song ông khẳng định Ukraine sẽ lập tức bác bỏ bất kỳ đề xuất chính thức nào.
“Chúng tôi biết các tín hiệu này đang phát đi từ đâu và sẽ còn tiếp tục vang lên”, ông nói và bày tỏ nghi ngờ rằng những tín hiệu đó có thể đến từ phía Nga hoặc từ một số đại diện Mỹ đang đối thoại với ông Putin.
EU: "Crimea là của Ukraine"
Trả lời hãng tin AFP hôm 22/4, quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Kaja Kallas, tuyên bố khối này sẽ không bao giờ công nhận bán đảo Crimea là lãnh thổ của Nga.
Phát ngôn của bà được đưa ra cũng trong bối cảnh xuất hiện thông tin rằng Mỹ đang cân nhắc công nhận Crimea là một phần của Nga trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột. “Crimea là của Ukraine”, bà Kallas khẳng định.
Bà Kallas cũng nhấn mạnh rằng Washington nên gây thêm sức ép lên Moscow, thay vì nhượng bộ yêu cầu từ Điện Kremlin.
“Mỹ đang có trong tay các công cụ để gây áp lực lên Nga. Nhưng chưa sử dụng đầy đủ”, bà nói. “Nếu giờ đây Mỹ rút lui mà không sử dụng các công cụ đó, thì câu hỏi lớn nhất của tôi là: tại sao?”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 21/4 bày tỏ hoài nghi về độ tin cậy của các thông tin được dẫn từ nguồn giấu tên trên truyền thông phương Tây.
“Hiện có rất nhiều thông tin được lan truyền, nhưng việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình không thể được thực hiện công khai. Những tuyên bố từ nguồn tin giấu tên cần được xem xét với sự cẩn trọng cao nhất”, ông Peskov nhấn mạnh.