Phản ứng của quốc tế sau khi dinh Tổng thống Sudan bị chiếm giữ

Căng thẳng kéo dài suốt nhiều tháng qua tại Sudan đã leo thang đỉnh điểm. Lực lượng bán quân sự chính tại nước này hôm qua tuyên bố giành quyền kiểm soát một số khu vực trọng yếu tại thủ đô Khartoum, trong đó có Phủ Tổng thống.

Ít nhất 27 người thiệt mạng và gần 200 người khác bị thương. Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực tiếp diễn tại Sudan, đồng thời kêu gọi các bên ngừng bắn và tiến hành đàm phán. Trong thông báo mới, lực lượng bán quân sự chính tại Sudan RSF cho biết đã kiểm soát hơn 90% các địa điểm chiến lược ở thủ đô Khartoum, giành quyền kiểm soát hoàn toàn Phủ Tổng thống, tư dinh của Tham mưu trưởng lực lượng quân đội cũng như các sân bay Khartoum và Merowe. Trước đó, nhóm bán quân sự cáo buộc quân đội đã tấn công vào một số cơ sở của lực lượng này ở phía Nam Khartoum.

Khói bốc lên ở Omdurman, gần cầu Halfaya được nhìn thấy từ phía Bắc Khartoum, Sudan ngày 15/4. Ảnh: Reuters

Khói bốc lên ở Omdurman, gần cầu Halfaya được nhìn thấy từ phía Bắc Khartoum, Sudan ngày 15/4. Ảnh: Reuters

Lãnh đạo quân sự của Sudan, Tướng Al Burhan đã bác bỏ tuyên bố của RSF và cho biết quân đội vẫn duy trì quyền kiểm soát đối với các địa điểm của chính phủ. Quân đội Sudan đồng thời cáo buộc nhóm bán quân sự có âm mưu phản bội chống lại đất nước và yêu cầu giải thể lực lượng này.

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin tại hiện trường cho biết đấu súng dữ dội đã xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước, làm dấy lên lo ngại bùng nổ xung đột trên diện rộng.

Các đảng phái chính trị ở Sudan đã kêu gọi ngừng bắn và hối thúc cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực có hành động khẩn cấp để ngăn các cuộc giao tranh giữa quân đội và RSF.

Theo Cựu Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok, nước này đang phải đối mặt với nguy cơ bị chia cắt: “Sudan đang phải đối mặt với nguy cơ bị chia cắt. Khi một viên đạn được bắn ra, nó sẽ không thể phân biệt được kẻ tấn công, kẻ bị tấn công và nạn nhân chính là người Sudan. Bạo lực phải chấm dứt ngay lập tức, hãy để tiếng nói của lý trí quyết định. Người dân Sudan hãy luôn mạnh mẽ và là chất keo kết dính, đoàn kết đất nước. Một giải pháp hòa bình vẫn nằm trong tầm tay”.

Sudan đã lâm vào tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021. Căng thẳng giữa lực lượng quân đội và RSF đã khiến các đảng phái chính trị ở nước này chưa thể ký kết một thỏa thuận được quốc tế ủng hộ nhằm nối lại quá trình chuyển tiếp dân sự.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua kêu gọi RSF và Lực lượng vũ trang Sudan ngay lập tức chấm dứt các hoạt động thù địch. Đại sứ quán Nga ở Sudan bày tỏ lo ngại về tình hình leo thang bạo lực tại nước này, đồng thời kêu gọi các bên ngừng bắn và tiến hành đàm phán.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Cách đây vài tuần, các đảng lớn ở Khartoum đã đạt được một thỏa thuận khung rất quan trọng nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sang chính phủ dân sự và đã có tiến bộ thực sự. Tình hình ở Sudan đang rất mong manh và những tiến bộ đạt được trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi dân sự có thể bị đẩy lùi. Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn. Mỹ và các quốc gia khác đang cố gắng thúc đẩy điều này”.

Cùng ngày, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Joseph Borrell kêu gọi tất cả các lực lượng chấm dứt bạo lực ở Sudan ngay lập tức và cho biết toàn bộ nhân viên EU ở Sudan đều an toàn. Ai Cập, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cũng kêu gọi chấm dứt bạo lực, yêu cầu các bên tìm kiếm giải pháp ngoại giao./.

Thu Hoài/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/phan-ung-cua-quoc-te-sau-khi-dinh-tong-thong-sudan-bi-chiem-giu-post1014267.vov