Pháo hoa có tác hại thế nào
Hàng triệu quả pháo hoa được bắn khắp thế giới mỗi năm để chào mừng Giao thừa, nhưng điều này cũng đồng thời khiến ô nhiễm không khí gia tăng.
Khi đồng hồ trên toàn cầu điểm 0h ngày 1/1/2025, những màn pháo hoa ngoạn mục đã thắp sáng bầu trời để chào đón năm mới.
Tại Cảng Sydney – nơi tổ chức một trong những màn pháo hoa mừng năm mới lớn nhất thế giới – 9 tấn pháo hoa lấp lánh và khói mù đã được bắn trong hai màn trình diễn riêng biệt vào đêm giao thừa.
Trong khi đó, ở London, Anh có khoảng 12.000 quả pháo hoa được bắn lên bầu trời mỗi năm, bất chấp thời tiết xấu đã đe dọa hủy bỏ màn trình diễn thường niên của thành phố trong năm 2024.
Con số khổng lồ về pháo hoa
Theo BBC, mỗi năm, người Mỹ đốt khoảng 136.000 tấn pháo hoa, tức tương đương gần 0,45 kg pháo hoa cho mỗi người dân ở nước này.
Trong khi đó, Châu Âu nhập khẩu khoảng 30.000 tấn pháo hoa mỗi năm, mặc dù con số này đã giảm mạnh so với 110.000 tấn trước đại dịch.
Trên toàn cầu, ngành công nghiệp pháo hoa đang bùng nổ mạnh mẽ, với giá trị thị trường năm 2024 được ước tính đạt 2,69 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 3,65 tỷ USD vào năm 2032.
Đó là một lượng lớn thuốc nổ và ánh sáng rực rỡ trên không, nhưng cũng đồng thời mang lại rất nhiều khói và mảnh vụn có thể gây hại không chỉ cho môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến phổi của người dân xung quanh.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sau các sự kiện pháo hoa lớn để mừng Giao thừa, Quốc khánh Mỹ, Diwali và nhiều lễ hội khác, chất lượng không khí thường giảm mạnh do ô nhiễm mà các màn trình diễn này tạo ra.
Tuy nhiên, thực sự tác động của chúng nguy hại đến mức nào? Phần lớn sự chú ý về nguy cơ từ pháo hoa tập trung vào những chấn thương và bỏng do các vụ tai nạn hoặc lạm dụng cố ý gây ra. Thực tế, số ca chấn thương liên quan đến pháo hoa cũng đã tăng trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, những màn trình diễn pháo hoa quy mô lớn như vào dịp giao thừa hoặc Quốc khánh Mỹ còn gây ra nhiều tác động khác đáng quan ngại hơn.
Trong khi pháo hoa tạo ra lượng lớn khói có thể thấy rõ, chúng cũng thải ra những chất gây ô nhiễm khó nhận biết hơn.
Peter Brimblecombe, giáo sư khoa học môi trường tại Đại học East Anglia (Anh) hiện sống ở Waikiki, Hawaii, đã công bố một nghiên cứu vào năm 2023 phân tích cách pháo hoa góp phần vào ô nhiễm không khí dạng hạt ở Honolulu.
Theo phát hiện của Brimblecombe, vào đêm giao thừa, lượng hạt bụi trong không khí tăng đáng kể, vượt xa số lượng pháo hoa được phép sử dụng hợp pháp.
"Có thể khẳng định tải lượng chất ô nhiễm tăng lên trong các sự kiện. Chất lượng không khí kém và các rủi ro sức khỏe liên quan đã là một phần của đêm giao thừa ở Oahu, Hawaii trong nhiều năm. Và nó vẫn là một vấn đề tiếp tục thu hút sự chú ý", Brimblecombe nói.
Một nghiên cứu khác tại các thành phố Brno ở phía đông Cộng hòa Séc và Graz, Áo cũng cho thấy mức tăng lớn trong ô nhiễm không khí dạng hạt từ nửa đêm đến 6 giờ sáng ngày đầu năm mới. Các kim loại và hợp kim dùng trong pháo hoa xuất hiện nhiều trong ô nhiễm dạng hạt này.
Tại Đức, một nghiên cứu kéo dài 11 năm ghi nhận mức tăng "đáng kể" về nồng độ bụi mịn vào ngày đầu năm mới. Khoảng 80% hạt bụi này có thể đi vào phổi, và các hạt bụi này đã được liên kết với các vấn đề sức khỏe như hen suyễn hay bệnh tim.
Tác động đến môi trường
Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe, pháo hoa có thể gây cháy rừng, dẫn đến ô nhiễm không khí kéo dài và lan rộng hơn.
Một phân tích tại Mỹ từ năm 1980-2017 cho thấy có đến 11.294 vụ cháy trong số gần 600.000 vụ có nguyên nhân từ pháo hoa.
Một phân tích khác về cháy rừng trên đất liên bang ở Mỹ trong giai đoạn 37 năm từ 1980 cho thấy 11.294 trong tổng số gần 600.000 vụ cháy rừng trong thời gian này có thể là do pháo hoa.
Ngoài ra, pháo hoa còn để lại rác thải, bao gồm hóa chất như perchlorate, một chất được sử dụng làm nhiên liệu.
Một nghiên cứu của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ và Cục Công viên Quốc gia đã phát hiện rằng các mẫu nước lấy từ khu vực xung quanh núi Rushmore trong giai đoạn 2011-2015 cho thấy nồng độ perchlorate tăng cao tại các khu vực từng tổ chức trình diễn pháo hoa vào Ngày Độc lập trong giai đoạn 1998-2009.
Nghiên cứu cũng cho thấy nồng độ hóa chất này tăng cao trong đất ở nơi pháo hoa được bắn và khu vực mà mảnh vỡ tên lửa rơi xuống. Một nghiên cứu khác vào năm 2007 tại một hồ ở Ada, Oklahoma, cho thấy mức perchlorate tăng sau màn bắn pháo hoa ngày 4/7 lên tới 1.028 lần so với mức trước đó.
Người ta lo ngại rằng các chất ô nhiễm này có thể xâm nhập vào nguồn nước uống, nơi mà nồng độ perchlorate cao có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp của con người.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đang tài trợ một nghiên cứu để đánh giá lượng perchlorate từ pháo hoa xâm nhập vào các hồ, sông và suối trên khắp nước này.
Bên cạnh đó, pháo hoa còn anh hưởng đến động vật hoang dã. Pháo hoa không chỉ làm chó sợ hãi mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chim và động vật hoang dã.
Một số nghiên cứu ghi nhận loài ngỗng Bắc Cực đã bay xa hàng trăm km sau khi bị pháo hoa làm hoảng sợ, hoặc hàng nghìn con chim chết trong các sự kiện lớn như ở Rome (2021) và Arkansas (2011).
Nguồn Znews: https://znews.vn/phao-hoa-co-tac-hai-the-nao-post1527006.html